Chứng khoán APG nhận án phạt gần 1,5 tỷ cho hàng loạt vi phạm
Chứng khoán APG bị phạt với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán.
Ngày 24/01/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 51/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã APG-HOSE) với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán.
Trong đó, APG bị phạt 125 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 21 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP) do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán.
Cụ thể: tại thời điểm 30/06/2024, Công ty đầu tư 16% vốn chủ sở hữu vào Công ty cổ phần Kosy.
- Phạt 187,5 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về hạn chế cho vay.
Cụ thể: trong giai đoạn từ 01/01/2024 đến 12/9/2024, Công ty sử dụng một số Hợp đồng tiền gửi của Công ty để ký Hợp đồng cầm cố với tổ chức tín dụng đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức khác và ký các Hợp đồng đặt mua cổ phiếu với các cá nhân.
- Phạt 187,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không thực hiện quản lý tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của công ty chứng khoán.
Cụ thể: công ty phát sinh một số giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản chuyên dụng và tài khoản thanh toán của Công ty vào các ngày 19/01/2024, 26/01/2024 và 02/02/2024 với nội dung cho vay giao dịch ký quỹ và thanh toán cho vay giao dịch ký quỹ.
- Phạt 275 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do thực hiện dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 Luật Chứng khoán khi chưa được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản.
Cụ thể: Công ty phối hợp với tổ chức tín dụng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán (bắt đầu từ tháng 10/2023) khi chưa được UBCKNN chấp thuận.
- Phạt 137,5 triệu đồng theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về nhận lệnh của khách hàng.
Cụ thể: Công ty cho một số khách hàng tại một số thời điểm trong năm 2024 đặt lệnh mua chứng khoán khi chưa có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán.
- Phạt 175 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP do sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư hoặc nội dung đã báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể: Công ty đã sử dụng vốn không đúng với phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua tại Nghị quyết số 01/2023/NQ-ĐHĐCĐ/APG ngày 15/4/2023 và Hội đồng quản trị Công ty thông qua tại Nghị quyết số 3010/2023/NQ/HĐQT-APG ngày 30/10/2023 và phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã đăng ký, báo cáo với UBCKNN.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà Công ty vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại điểm a khoản 9 Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm e khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP đối với hành vi sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư hoặc nội dung đã báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phạt 137,5 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.
Cụ thể: tại một số thời điểm trong năm 2024, công ty giải ngân cho vay giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên các tài khoản giao dịch ký quỹ của một số khách hàng.
- Phạt 175 triệu đồng theo quy định tại khoản 3a Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 34 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP do báo cáo có nội dung sai lệch.
Cụ thể: Công ty đã báo cáo sai tỷ lệ vốn khả dụng tại các báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 31/03/2024 và tại ngày 30/6/2024.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc báo cáo thông tin chính xác đối với hành vi vi phạm báo cáo có nội dung sai lệch quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 34 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP.
Cuối cùng, phạt 92,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán.
Cụ thể: công ty không cung cấp được đầy đủ các chứng từ, tài liệu phản ánh đầy đủ, chi tiết đối với các khoản đầu tư dài hạn vào cổ phiếu chưa niêm yết tại thời điểm 01/01/2024 và trong giai đoạn từ 01/01/2024 đến 12/9/2024; không cung cấp được đầy đủ các hợp đồng đặt cọc mua cổ phần, trái phiếu, tài liệu chứng từ liên quan đến đầu tư dài hạn trong giai đoạn từ ngày 10/5/2024 đến 12/9/2024.
Trước đó, APG vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 với lợi nhuận sau thuế lỗ gần 51 tỷ (cùng kỳ lãi hơn 39,6 tỷ đồng). Còn theo báo cáo tài chính quý 3/2024, công ty cũng báo lỗ 148 tỷ (cùng kỳ lỗ 6,43 tỷ đồng); lũy kế năm 2024, công ty ghi nhận lỗ hơn 149 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 140 tỷ đồng).
Theo giải trình từ phía công ty là do lãi bán các tài sản chính quý 4/2024 giảm và lỗ bán các tài sản tài chính quý 4/2024 tăng.
Được biết vào ngày 6/12/2024, APG thông báo đã đóng cửa chi nhánh TP.HCM và Phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế (Hà Nội). Lý do đóng cửa hai chi nhánh trên là do thực hiện tái cơ cấu công ty, chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch.
Sau khi đóng cửa 2 chi nhánh trên, APG chỉ còn hoạt động duy nhất tại trụ sở chính đặt tại Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).