15:43 06/12/2018

Chứng khoán châu Á “đỏ lửa” sau vụ bắt Giám đốc Huawei

Bình Minh

Giới đầu tư lo ngại rằng vụ bắt vị nữ doanh nhân Trung Quốc sẽ thổi bùng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington

Giới đầu tư chứng khoán thế giới đang đối mặt nhiều nỗi lo - Ảnh: Getty/CNBC.
Giới đầu tư chứng khoán thế giới đang đối mặt nhiều nỗi lo - Ảnh: Getty/CNBC.

Thị trường chứng khoán châu Á và các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi có tin nhà chức trách Canada bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) kiêm Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei theo đề nghị của Mỹ.

Giới đầu tư lo ngại rằng vụ bắt vị nữ doanh nhân Trung Quốc sẽ thổi bùng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Vụ bắt bà Wanzhou Meng, người đồng thời cũng là con gái của nhà sáng lập Huawei, ông Nhiệm Chính Phi, diễn ra đúng lúc Mỹ và Trung Quốc bắt đầu thời gian "đình chiến" thương mại kéo dài 3 tháng và đẩy nhanh đàm phán để đi đến một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại song phương. Vụ việc bị cho là có thể đẩy thỏa thuận "ngừng bắn" thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm đổ vỡ.

Không chỉ có vậy, vụ bắt giữ bà Meng còn diễn ra giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu bị phủ bóng bởi nỗi lo lãi suất ở Mỹ cao và những rủi ro suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế thế giới.

Chỉ số S&P 500 tương lai có lúc giảm gần 2% vào buổi sáng, trước khi thu hẹp mức giảm còn 1,3% vào buổi chiều theo giờ Việt Nam. Mức giảm này báo hiệu chứng khoán Mỹ có thể giảm mạnh vào đêm nay.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên với mức giảm hơn 1,9%. Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực chất bán dẫn, bởi Huawei là một trong những công ty sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) va thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản sụt 1,7%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 2,5%, trong khi chỉ số Shanghai Composite Index giảm gần 1,7%. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm gần 1,6%.

Vụ bắt CFO Huawei làm gia tăng cảm giác rằng cuộc xung đột giữa hai siêu cường kinh tế thế giới không chỉ nằm ở vấn đề thuế quan, mà còn nhằm giành vị trí thống lĩnh về công nghệ.

Công ty BT Group của Anh cho biết sẽ loại thiết bị Huawei ra khỏi bộ phận cốt lõi của các mạng 3G và 4G của công ty này. Trước đó, Australia và New Zealand đã ban lệnh cấm dùng thiết bị Huawei trong mạng 5G.

"Mỹ đã và đang đề nghị các quốc gia đồng minh không sử dụng thiết bị Huawei vì lý do an ninh, và có thể sẽ tiếp tục gây sức ép trong vấn đề này đối với các đồng minh", chiến lược gia trưởng về đầu tư Norihiro Fujito thuộc Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định.

"Bởi vậy, sau một vài khoảnh khắc lạc quan ngắn ngủi về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, thị trường lại đối mặt với thực tế là mọi chuyện sẽ không dễ dàng", vị chiến lược gia nói.

Cổ phiếu niêm yết tại thị trường Hồng Kông của Chinasoft International giảm tới 13%. Huawei là một khách hàng chủ chốt của Chinasoft.

Hôm thứ Hai, chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh nhờ sự hứng khởi sau khi lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận "đình chiến" thương mại hôm thứ Bảy. Mặc dù vậy, niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi hoài nghi về khả năng chỉ trong vòng 90 ngày hai bên có thể đi đến một thỏa thuận thực chất để giải quyết mâu thuẫn trong một loạt vấn đề lớn.

Mối lo này đã khiến chứng khoán thế giới giảm điểm vào ngày thứ Ba. Trong phiên ngày thứ Tư, chứng khoán Mỹ đóng cửa để tưởng niệm cố Tổng thống George H.W. Bush, nhưng chứng khoán châu Á và châu Âu tiếp tục trượt dốc.

Nhà đầu tư hiện cũng đang lo về việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài của Mỹ giảm xuống mức thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn - hiện tượng được gọi là đảo ngược đường cong lợi suất và được xem là một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái.

Theo các chiến lược gia của HSBC, với nỗi lo suy thoái nổi lên, nếu dữ liệu việc làm tháng 11 của Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này không tốt như dự báo, thì thị trường chứng khoán Phố Wall sẽ đối mặt thách thức lớn.