16:31 21/01/2016

Chứng khoán châu Á lại “đỏ”

An Huy

Thị trường chứng khoán khu vực có thêm một ngày giảm điểm tồi tệ

Chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải, Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014.
Chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải, Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014.
Thị trường chứng khoán châu Á lại giảm điểm mạnh trong phiên chiều nay (21/1), đảo ngược xu hướng tăng vào buổi sáng.

Phiên bán tháo ngày 20/1 tại thị trường Phố Wall, những lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, bất ổn ở Trung Quốc, và giá dầu lập đáy mới là những nhân tố khiến giới đầu tư châu Á tiếp tục xả hàng.

Theo tin từ CNBC, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải, Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014. Lúc đóng cửa, chỉ số này mất hơn 3,2%. Sàn Thẩm Quyến chứng kiến mức giảm hơn 4% trong phiên này.

Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng lao dốc xuống mức đáy của 3 năm sau đợt bán tháo vào cuối ngày. Chốt phiên, chỉ số này mất 1,5%, sau khi giảm gần 4% trong phiên ngày 20/1. Đặc biệt, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm xuống dưới giá trị sổ sách lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Ông Klaus Baader, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á của Societe Generale, nhận định đợt bán tháo đang diễn ra trên thị trường chứng khoán khu vực là “cực kỳ tàn khốc”.

“Mọi thứ có vẻ đã lên đến đỉnh điểm. Tôi cho rằng một lý do chính khiến điều này xảy ra là đang có quá nhiều bất ổn, đặc biệt là bất ổn liên quan đến Trung Quốc và chính sách tỷ giá của nước này. Đó là một trong những điều khiến thị trường đứng ngồi không yên”, ông Baader nói.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật cũng không giữ được thành quả tăng điểm của đầu phiên và kết thúc ngày giao dịch trong sắc đỏ. Chốt phiên, chỉ số này mất hơn 2,4%. Chỉ số Topix giảm 2,8%.

Phiên giảm này đẩy chứng khoán Nhật chìm sâu hơn vào địa hạt thị trường giá xuống (bear market), sau khi giảm 3,7% trong phiên ngày 20/1. Hiện cả chứng khoán Trung Quốc đại lục và chứng khoán Nhật đều đã trong tình trạng giá xuống.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng có một phiên giao dịch giằng co giữa tăng và giảm, rốt cục chốt phiên với mức giảm 0,25% của chỉ số Kospi.

Như vậy, thị trường chứng khoán khu vực có thêm một ngày giảm điểm tồi tệ, bất chấp những nỗ lực bình ổn của Bắc Kinh.

Trước khi thị trường mở cửa, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đưa ra tỷ giá trung tâm đồng Nhân dân tệ ở mức 6,5585 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Từ tuần trước đến nay, PBoC giữ tỷ giá trung tâm tương đối ổn định.

Theo tin từ Bloomberg, tuần này, PBoC đã bơm lượng tiền lớn nhất kể từ đầu năm vào thị trường thông qua các nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Số vốn ròng được PBoC bơm ra thị trường tuần này đã lên tới gần 48 tỷ USD.

Tuy nhiên, giá dầu giảm đang là nguồn sức ép giảm giá mạnh đối với các thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Lúc gần 16h chiều theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI giao dịch tại Mỹ giảm 0,5%, còn 28,21 USD/thùng. Giá dầu Brent tại London giảm gần 0,7%, còn 27,7 USD/thùng.

Mấy ngày trở lại đây, giá dầu liên tục lập đáy mới kể từ năm 2013. Giới đầu tư càng thêm phần bi quan khi Viện Dầu lửa Mỹ (API) ngày 20/1 cho biết tồn kho dầu thô của nước này tăng mạnh hơn dự kiến.

Chỉ số MSCI All-Country World Index của thị trường chứng khoán thế giới hiện đang ngấp nghé ngưỡng thị trường giá xuống. Hôm nay, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,6%, lập mức đáy mới của hơn 5 năm.

Một nhân tố khác khiến các nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản lo ngại hiện nay là đồng Yên mạnh. Tỷ giá đồng Yên hôm nay tăng 0,4% so với đồng USD, đạt mức 116,49 Yên đổi 1 USD, gần mức đỉnh của 1 năm là 115,98 Yên/USD thiết lập trong phiên hôm qua.