Chứng khoán chiều 18/12: Cổ đầu cơ bắt đầu "lau sàn"
VN-Index ngả nghiêng quanh mốc 950 điểm cộng với sự yếu ớt của nhóm blue-chips không hẳn khiến các mã đầu cơ đảo chiều. Bữa tiệc ở các mã này luôn kết thúc bằng câu hỏi ai sẽ là người "rửa bát"
VN-Index ngả nghiêng quanh mốc 950 điểm cộng với sự yếu ớt của nhóm blue-chips không hẳn khiến các mã đầu cơ đảo chiều. Bữa tiệc ở các mã này luôn kết thúc bằng câu hỏi ai sẽ là người "rửa bát".
Sàn HSX đóng cửa phiên hôm nay với khoảng 206 mã giảm/114 mã tăng. Hơn 100 mã trong số này giảm quá 1%, thậm chí nhiều hơn cả phiên hôm qua hay phiên đầu tuần, dù VN-Index mất điểm ít hơn. Khác biệt chính là làn sóng đầu cơ các mã nhỏ bắt đầu rã đám, mạnh ai nấy chạy.
Cũng không có tình trạng sàn hàng loạt nhưng trong số giảm hết biên độ đã có những cái tên quen thuộc: HAI, TSC, HAR, AMD, ART, KLF, PVX. Đối với các cổ phiếu đầu cơ dạng này, việc nay sàn mai trần là bình thường, nên phiên giảm sàn hôm nay chỉ mang ý nghĩa là bắt đầu có sự rút lui của một bộ phận nhà đầu cơ không muốn trở thành kẻ cầm cục than cuối cùng.
Xu hướng đầu cơ cực mạnh ở nhiều cổ phiếu đã đem lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu cơ dũng cảm, nhưng ít nhất phải là khi đã bỏ được tiền vào túi, còn cứ giữ trên sổ sách thì chỉ là "lãi ảo".
Sóng tăng của HAI từ giữ tháng 10 tới hôm qua đã đem về khoản lãi 174%. Hôm qua HAI đã có một đợt xả, giá sụp xuống sàn sau đó lại được kéo hồi. Hôm nay giá chính thức giảm sàn và dư bán sàn 2,9 triệu cổ.
AMD cũng vào sóng gần như cùng lúc với HAI, đã tăng 102% trong 48 phiên. Hôm qua AMD cũng "co giật" lên xuống giống HAI và vẫn được đẩy tăng cuối phiên. Hôm nay AMD cũng giảm sàn, dư bán sàn khoảng 3,2 triệu cổ.
Một cổ phiếu đầu cơ quen thuộc khác là FLC phiên này cũng đảo giá liên tục, từ tăng 3,91% thành giảm 3,7% lúc đóng cửa. Hôm qua FLC thậm chí còn biến động từ kịch trần xuống kịch sàn.
Các cổ phiếu đầu cơ thường xuất hiện nhiều phiên dao động mạnh bất ngờ ở đỉnh giá cao và thường tạo cảm giác giá lùi xuống là được mua mạnh đẩy tăng trở lại. Rất khó phân biệt các biến động đó thật sự thể hiện sức mạnh của dòng tiền đầu cơ hay chỉ là dạng "co giật" có chủ đích để thu hút lòng tham nhằm xả hàng.
Trào lưu đầu cơ cổ phiếu nóng vẫn chưa kết thúc, nhưng "nhiệt" đã giảm đáng kể hôm nay. Không còn tình trạng trần hàng loạt nữa, chỉ còn một số cổ phiếu vẫn tiếp tục xu hướng tăng kéo dài và mức tăng chậm lại.
VRC là ví dụ, sau khi tăng 58% trong 33 phiên của tháng 11 và nửa sau tháng 10, giá dừng lại 8 phiên đi ngang và hôm nay lại tăng tiếp 6%. TNA đà tăng từ đầu tháng 9 tới giờ vẫn chưa dừng, đã lãi gần 113% mà phiên này vẫn tăng thêm 4,3% nữa. HQC sau hai phiên kịch trần, hôm nay chỉ còn tăng 4,46%, thanh khoản kỷ lục 2 tháng....
Đối với VN-Index, ảnh hưởng chủ đạo vẫn là các cổ phiếu blue-chips và chiều nay tiếp tục có sự giằng co giữa nhóm tạo sức ép để chỉ số xuyên thủng 950 điểm và nhóm nâng đỡ. VHM giảm 1,87%, VRE giảm 2,89%, GAS giảm 2,05%, HPG giảm 2,59% trong khi VCB tăng 1,64%, BID tăng 1,33%, VNM tăng 1,28%. Đứng ngoài sự giằng co này là VIC, SAB tham chiếu.
Độ rộng của rổ VN30 buổi chiều chỉ là 8 mã tăng/19 mã giảm, không thay đổi nhiều so với phiên sáng nhưng nhiều trụ yếu đi thêm, tức là giảm sâu hơn phiên sáng, tạo thêm sức ép. GAS là điển hình, chiều nay đã rớt thêm 1.900 đồng so với phiên sáng tương đương 1,95%. Các mã tụt riêng chiều nay trên 1% so với phiên sáng còn là HPG giảm 1,74%, MWG giảm 1,7%, VRE giảm 1,54%, PNJ giảm 1,34%, SSI giảm 2,13%...
VN30-Index đóng cửa giảm 0,49% so với tham chiếu, yếu hơn phiên sáng, chủ yếu do tác động của các cổ phiếu tầm trung nói trên. Các trụ lớn giảm sâu từ sáng và chiều nay hầu như đều giữ giá không giảm thêm. VHM thậm chí buổi chiều có phục hồi được 300 đồng so với cuối phiên sáng.
VN-Index chốt phiên giảm 0,3%, để mất thêm 2,9 điểm nhưng đã phục hồi vượt trên ngưỡng 950 điểm, đạt 951,13 điểm. Điểm nhấn phiên chiều chính là nhịp giảm vài phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, khi VN-Index một lần nữa bị ép xuống và để thủng mốc 950 điểm. Tuy nhiên các blue-chips đã kịp thời giúp chỉ số quay đầu.
Khối ngoại có thêm phiên thứ hai bán ròng nhẹ, rút ròng đối với cổ phiếu hai sàn khoảng 52 tỷ đồng. HPG, STB, KBC, SGN, POW, PAN, VIC, SSI, MSN, HDB là các mã bị bán ròng đáng kể nhất. Phía mua có VNM, BID, VCB, DXG, PVD, VRE, VRC, CTG.