16:57 29/05/2019

Chứng khoán chiều 29/5: VNM, VIC nỗ lực đảo ngược tình thế bất thành

Lan Ngọc

Cuối phiên chiều nay thị trường lại xuất hiện một nhịp xả khá mạnh. VNM trở thành cổ phiếu duy nhất có khả năng duy trì VN-Index lúc đóng cửa, khi hàng loạt blue-chips khác đều tụt giá

Cuối phiên chiều nay thị trường lại xuất hiện một nhịp xả khá mạnh. VNM trở thành cổ phiếu duy nhất có khả năng duy trì VN-Index lúc đóng cửa, khi hàng loạt blue-chips khác đều tụt giá.

VIC đóng cửa vẫn tăng 1,05% và trong vài giây cuối cùng, giá cổ phiếu này biến động rất mạnh. VIC đột ngột sụt từ 115.300 đồng xuống 114.200 đồng, gần như mất hết mức tăng này. Rất may lúc đóng cửa đã có lệnh mua kịp thời đưa giá quay lại 115.200 đồng.

VNM cũng có một nhịp sụt giảm tương tự, thậm chí giảm đủ mạnh xuống dưới tham chiếu. Lúc đóng cửa VNM vẫn có lực nâng lên dù chỉ là 8.430 cổ phiếu để kéo tăng 0,68%.

Đây là hai cổ phiếu có biến động ngược chiều kịp thời giữ cho VN-Index không mất quá nhiều điểm. Nguy cơ giảm sâu hơn là có vì gần như tất cả các blue-chips khác lúc đóng cửa đề bị ép xuống mức thấp hơn hoặc không thể cải thiện được. VCB đánh mất tới 500 đồng ở giao dịch cuối cùng, thu hẹp mức tăng xuống 0,15% so với tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiều nay suy yếu nghiêm trọng. Ngoài VCB đánh mất gần hết mức tăng, các mã còn lại đều chịu sức ép giảm tăng cao. TCB đóng cửa sụt giảm 1,52% so với tham chiếu và riêng buổi chiều giảm khoảng 0,66%. CTG chốt giảm 1,67% so với tham chiếu, riêng buổi chiều giảm thêm 0,72%. BID giảm 0,93%, VPB giảm 1,08%.

TCB là cổ phiếu yếu nhất nhóm ngân hàng trong ngắn hạn khi kéo dài chuỗi phiên giảm sang ngày thứ 6. Chỉ 6 phiên TCB đã bốc hơi 5,41% giá trị và hôm nay giá thậm chí đóng cửa ở mức thấp nhất trong lịch sử tại 22.750 đồng/cổ phiếu.

Yếu tố có phần may mắn là TCB vốn hóa không quá lớn trong VN-Index, chỉ đứng thứ 9, trên VRE. Do đó mức giảm mạnh của TCB không khiến chỉ số mất quá nhiều điểm. Tuy nhiên ảnh hưởng lên VN30-Index lại rất mạnh vì TCB đứng thứ hai ngay sau VNM. Một cổ phiếu khác giảm sâu cũng ảnh hưởng nhiều tới VN30-Index là VPB – đứng thứ 6, còn cao hơn cả VHM.

Do tác động của các mã lớn, Vn30-Index đóng cửa giảm 0,2% trong khi VN-Index chỉ giảm 0,05%. Các mã còn nâng đỡ VN30-Index là VRE tăng 0,58%, MSN tăng 0,34%, HPG tăng 1,4%, NVL tăng 1,03%.

Độ rộng của HSX khá hẹp với 135 mã tăng/164 mã giảm. Smallcap là nhóm duy nhất còn tăng. Số ít cổ phiếu đầu cơ khá mạnh như IJC, LCG, TNI, LHG, GTN, mức tăng trên 4% với thanh khoản khá cao.

Chiều nay thanh khoản đã sụt giảm nhẹ khoảng 9% so với phiên sáng, đạt 1.419,9 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Tuy nhiên ROS chiếm gần 13% tổng giao dịch và cũng tăng gấp rưỡi so với giao dịch của chính mã này trong phiên sáng. Mặt khác, nhóm blue-chips chiều nay giao dịch quá đuối, rổ VN30 chỉ đạt 669,7 tỷ đồng khớp lệnh với 26,6% thuộc về ROS.

Điểm tích cực hôm nay là nhà đầu tư nước ngoài đã giảm bán đáng kể, dẫn đến vị thế chuyển sang mua ròng. Thực chất khối này không tăng mua, thậm chí còn giảm mua. Cụ thể, HSX được giải ngân 574,1 tỷ đồng, giảm 27% so với hôm qua. Tuy nhiên giá trị bán giảm tới 42%, chỉ còn 448,5 tỷ đồng. Trên HNX khối này giao dịch không đáng kể.

Điểm tích cực thứ hai là khá nhiều blue-chips được mua ròng. Có thể kể tới VJC, PLX, HDB, VIC, NVL, HVN, MSN, VCB, GAS, VNM. Phía bán ròng đáng kể có VRE, VHM, BID, SSI, POW, DIG, PVD.