17:02 10/11/2011

Chứng khoán cuối năm: Ẩn số mới cho lực cản cũ

Trọng Nghĩa

Liệu thị trường có “cửa” sáng những tháng cuối năm khi những rào cản vẫn còn nguyên, thậm chí có thêm ẩn số mới?

Nhà đầu tư lúc này đang quan tâm đến việc giảm rủi ro, hơn là cố gắng tìm kiếm lợi nhuận từ những phi vụ đầu cơ ngắn hạn.
Nhà đầu tư lúc này đang quan tâm đến việc giảm rủi ro, hơn là cố gắng tìm kiếm lợi nhuận từ những phi vụ đầu cơ ngắn hạn.
VN-Index tháng 10 chỉ giảm khoảng 6,2% nhưng đa số cổ phiếu lao dốc mạnh hơn, không dưới 10%, đặc biệt nhiều mã tới trên 30%.

Liệu thị trường có “cửa” sáng những tháng cuối năm?

Lạm phát có bất ngờ?

Liệu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 có còn giữ được mức thấp như tháng 10 hay không vẫn là câu hỏi đau đầu của thị trường. Hàng loạt phân tích của các tổ chức không kỳ vọng nhiều vào khả năng duy trì đà giảm sẽ kéo dài thêm một tháng nữa, bất chấp mức tăng CPI trong tháng 10 được xem là thấp nhất trong 14 tháng trở lại đây.

Những nhân tố nào sẽ tạo nên sự bất ngờ trong CPI tháng này? Theo Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), yếu tố tăng giá theo mùa vụ đã chững lại trong tháng 10, nhưng dự kiến sẽ lại tăng trở lại từ tháng này cho tới hết quý 1 năm sau. Mức tăng giá của những tháng cuối năm sẽ chủ yếu bắt nguồn từ sự tăng giá trở lại của nhóm hàng lương thực, thực phẩm do thiên tai xảy ra ở một số địa phương.

Ngoài ra, sự gia tăng trở lại của yếu tố mùa vụ do nhu cầu tiêu dùng vào cuối năm tăng cao cũng gây ra sức ép lạm phát. Cuối cùng, kế hoạch tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch tăng lương cơ bản trong năm 2012 cũng có thể làm tăng kì vọng lạm phát trong những tháng cuối năm.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thêm yếu tố bất cân đối giữa sản xuất - tiêu dùng ngày càng bộc lộ rõ nét hơn do hậu quả của chính sách tiền tệ thắt chặt thực hiện từ đầu năm, dẫn đến nguy cơ tiềm tàng thiếu hụt nguồn cung. Song song với đó, diễn biến thời tiết bất lợi, tính mùa vụ khi dịp lễ tết đang đến gần và triển vọng kinh tế thế giới tích cực hơn có thể đẩy giá hàng hóa và thực phẩm tăng cao.

Yếu tố hỗ trợ duy nhất cho CPI trong tháng là kỳ vọng điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu. Khi đó, mức tăng CPI tháng 11 vẫn sẽ giữ ổn định dưới 1% song khó có thể có sự cải thiện đột biến như tháng 10.

Có cái nhìn tương đối lạc quan, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) cho rằng nhu cầu tiêu dùng cao hơn vào các ngày lễ cuối năm (Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán) sẽ là nguyên nhân chính đẩy mặt bằng giá cả tăng trong hai tháng cuối năm. Bên cạnh đó, việc tỷ giá leo thang vào thời gian gần đây cũng sẽ có tác động tiêu cực tới giá thành của thành phẩm và nguyên lieu chính phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các yếu tố này lên giá cả trong tháng 11 sẽ không lớn bằng tháng cuối năm.

Trái ngược với dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hôm 2/11 vừa qua khi chỉ cho rằng CPI tháng 11 tăng 0,2-0,3% so với tháng 10, các tổ chức đầu tư đều nhìn triển vọng CPI với con mắt thận trọng.

BVS lạc quan nhất nhận định CPI tháng này “nhiều khả năng sẽ tăng dưới 0,5% và CPI tháng 12 tăng từ 0,8%-1,2%”. VDSC thậm chí còn để “cửa” dao động rất lớn khi cho rằng “mức tăng CPI tháng 11 sẽ vẫn ổn định dưới 1% song khó có sự cải thiện đột biến như tháng 10”. TLS xác định mức tăng CPI khoảng 0,5% so với tháng 10.

Tỷ giá đã bình yên?

Hai tuần trở lại đây, tỷ giá đã có sự bình yên nhất định khi Ngân hàng Nhà nước liên tục duy trì mức tỷ giá trung tâm cố định tại 20.803 VND/USD. Đây là chuỗi ngày bình yên hiếm hoi sau khi “nhảy” hàng ngày từ đầu tháng 10. Mức điều chỉnh tăng tỉ giá với USD tới 0,85% tạo ra sự bức bí không nhỏ.

Những nguyên nhân gây áp lực lên tỷ giá đến nay vẫn không mới. Việc các ngân hàng gom USD phục vụ nhập khẩu vàng bình ổn được cho là động lực chính của hiện tượng tỷ giá chính thức còn “nhảy” mạnh hơn cả tỷ giá tự do. Dù sao biến động tỷ giá đã tạm thời dừng lại và biến động giá vàng không còn chiếm chỗ trên các hàng tít lớn của báo chí nữa cũng góp phần làm nhạt đi mối quan tâm của giới đầu tư.

Đa số các tổ chức đầu tư nhìn nhận khả năng kiềm chế mức tăng tỷ giá dưới 1% trong hai tháng tới là khả thi, dù sức ép vẫn không nhỏ. TLS cho rằng tỷ giá nhiều khả năng sẽ còn căng thẳng từ nay đến đầu năm sau do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho dịp Tết, tích trữ nguyên vật liệu sản xuất và thanh toán các khoản nợ ngoại tệ đáo hạn.

BVS chỉ ra 6 nguyên nhân ủng hộ khả năng kiềm chế tỷ giá, bao gồm: thâm hụt thương mại thu hẹp so với năm 2010; cán cân tổng thể có thể thặng dư từ 2-2,5 tỷ USD trong năm nay; dự trữ ngoại hối đã được cải thiện đáng kể; kiều hối 2011 tăng cao hơn năm ngoái; giải ngân ODA đạt 97% kế hoạch trong 10 tháng đầu năm; FDI giải ngân 10 tháng tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Cùng chung quan điểm này, DVSC nhận định Ngân hàng Nhà nước đủ sức can thiệp tiền tệ và giữ mức biến động tỷ giá USD không vượt quá 1%. Tuy nhiên, quan điểm này lại cho rằng với sự dồn nén áp lực giảm giá VND bắt đầu từ cuối quý III/2011, khả năng sẽ có đợt giảm giá VND mới của vào đầu quý I/2012.

Có “cửa” giảm tiếp cho lãi suất?

Báo cáo tài chính quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục ghi nhận gánh nặng lãi suất vay ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Giới đầu tư chứng khoán không còn mong việc giảm lãi suất hàm ý nới lỏng tiền tệ nữa, mà chỉ mong giảm lãi suất để doanh nghiệp “thở” được dễ hơn. Định hướng giảm dần lãi suất cho vay nền kinh tế là điều không mới, điểm khó là bao giờ!

Ẩn số mới là vấn đề nợ xấu ngày càng thu hút chú ý và các ngân hàng hạn chế cho vay mới, trong khi tích cực thu hồi nợ cũ. Khả năng giảm tiếp lãi suất từ mức 17%-19% hiện tại xuống thấp hơn trong ngắn hạn chưa phải là nhiệm vụ ưu tiên, khi thông điệp về chính sách tiền tệ chặt chẽ được đưa ra và kiên trì thực hiện.

Theo VDSC, trong ngắn hạn, sự hấp dẫn tăng lên từ thị trường vàng và USD, đồng thời thời lạm phát còn ở mức khá cao có thể khiến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Mức trần 14% vẫn có khả năng được giữ đến cuối năm trước khi có chuyển biến tích cực hơn trong đầu năm sau. Sự thiếu hụt trong nguồn vốn huy động khiến hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ có sự chọn lọc, và lãi suất cho vay sẽ có sự giảm nhẹ vào cuối năm.

Khác biệt một chút, BVS cho rằng lạm phát kỳ vọng đang có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ là cơ sở quan trọng để lãi suất huy động tiếp tục giảm dần. Khi đó Ngân hàng nhà nước có thể sẽ xem xét đến việc giảm trần lãi suất huy động xuống mức thấp hơn 14%. Tuy nhiên cần ít nhất 3-4 tháng nữa để điều này diễn ra, đặc biệt là sau thời điểm Tết Nguyên đán, lạm phát sẽ giảm tốc nhanh. BVS chỉ kỳ vọng lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm nhanh từ cuối quý 1/2012.

Bài toán “dư nợ phi sản xuất”

Nhân tố không mới nhưng được khơi trở lại kể từ tháng 6 là áp lực giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống mức 16% đang đi đến hồi cuối. Về mặt thời điểm, có lẽ áp lực này không lớn lắm vì các ngân hàng đã có sự chuẩn bị từ sau thời điểm 30/6. Tuy nhiên vấn đề này càng nóng hơn khi thị trường bất động sản chứng kiến hàng loạt thông tin bán tháo, đại hạ giá...

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), hiện có 45 tổ chức tín dụng có tỉ trọng dư nợ phi sản xuất dưới 16%, 13 tổ chức có tỉ trọng dư nợ phi sản xuất từ 16-22% và 24 ngân hàng có tỉ trọng dư nợ phi sản xuất trên 22%. Đánh giá của tổ chức này khá lạc quan khi cho rằng khi tín dụng tiếp tục tăng mà số dư cho vay phi sản xuất không đổi thì tỉ trọng cho vay phi sản xuất trong tổng dư nợ đã tự động giảm xuống còn 16,45% (tính đến cuối tháng 9). Khả năng đảm bảo chỉ tiêu 16% là có thể.

Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ đảm bảo niềm tin của thị trường vì số liệu chưa đủ độ tin cậy. Bất động sản gặp khó và khả năng các tổ chức phải thanh lý vị thế đầu tư chứng khoán ngắn hạn thu tiền về trả nợ ngân hàng vẫn là lực cung tiềm ẩn.