19:20 18/05/2007

Chứng khoán: Giao dịch sôi động, giá BMC tăng kỷ lục

Hải Bằng

Thị trường giao dịch ngày 18/5 bị tác động khá mạnh bởi luồng thông tin: sẽ có làn sóng đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam

Phiên cuối tuần ngày 18/5, cả 2 sàn giao dịch tiếp tục tăng, chỉ số giá tăng chậm lại, nhiều cổ phiếu “hàng hiệu” tăng giá mạnh. Số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn cổ phiếu giảm giá.

Một hiện tượng rất đặc biệt là giá đóng cửa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định (BMC) liên tục tăng mức trần trong suốt cả tuần, lên tới mức kỷ lục là 807.000 đồng, bỏ xa FPT (541.000 đồng), cầu luôn cao hơn cung, giao dịch sụt mạnh vào phiên cuối tuần.

Thị trường giao dịch ngày 18/5 bị tác động khá mạnh bởi luồng thông tin: sẽ có làn sóng đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam, mạnh hơn làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, kể cả đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán.

Thông tin này được lan truyền sau khi bài viết trên tạp chí “Crains New York Business” của Mỹ số ra mới đây đã đưa ra dự báo của Chính phủ Mỹ cho biết, tổng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có thể đạt tới 8 tỉ USD trong năm nay, tăng 4 tỉ USD so với năm 2006.

Một số Việt Kiều vừa mở công ty ở Việt Nam cho biết, làn sóng các nhà đầu tư Nhật Bản mở tài khoản ở Việt Nam để kinh doanh chứng khoán và làn sóng đầu tư mới của Mỹ vào Việt Nam đang làm “nóng” lên bầu nhiệt huyết của hàng triệu Việt kiều đang sinh sống và kinh doanh ở Mỹ, chắc chắn thời gian tới, họ sẽ đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ít nhất cũng khoảng 1 tỷ USD mỗi năm trên con số hơn 4 tỷ USD kiều hồi gửi về Việt Nam mỗi năm.

Tại sàn Tp.HCM, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5, chỉ số VN-Index tăng nhẹ, lên mức 1.066,56 điểm. Đa số các cổ phiếu tăng giá, giá đóng cửa 52 cổ phiếu tăng (13 cổ phiếu tăng mức trần), 27 cổ phiếu giảm giá, chỉ duy nhất cổ phiếu BTC giảm sàn và 28 cổ phiếu đứng giá, giá đóng cửa chứng chỉ quỹ VF 1 tăng 400 đồng và BF1 đứng yên.

Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu (khớp lệnh và thỏa thuận) đạt gần 5,54 triệu cổ phiếu, trị giá 746,6 tỷ đồng, tăng gần 50 tỷ đồng. Giao dịch chứng chỉ quỹ cũng tăng, đạt 968.020 chứng chỉ quỹ, trị giá 20,81 tỷ đồng.

Năm cổ phiếu có mức giảm giá nhiều nhất là FPT giảm 16.000 đồng, còn 541.000 đồng, MHC giảm 12.000 đồng, xuống 40.000 đồng/cổ phiếu, BMP giảm 5.000 đồng, còn 205.000 đồng/cổ phiếu, CII giảm 2.500 đ, xuống 77.500 đồng và CLC giảm 2.000 đồng, còn 51.000 đồng/cổ phiếu.

Năm cổ phiếu có mức giá tăng nhiều nhất gồm: BMC tăng 38.000 đồng, lên mức kỷ lục mới là 807.000 đồngồng, tiếp đến là SJS tăng 19.000 đồng, lên 407.000 đồng, giá NAV tăng 10.000 đồng, lên mức 212.000 đồng, SFI tăng 9.000 đồng, lên 193.000 đồng và TCT tăng 8.000 đồng, lên 186.000 đồng/cổ phiếu.

Năm chứng khoán có khối lượng giao dịch lớn nhất gồm: STB 1.132.680 cổ phiếu, giá tăng 3.000 đồng, BF1 đạt 617.920 chứng chỉ quỹ, giá đứng, PPC 422.480 cổ phiếu, giá tăng 1.000 đồng, VF1 đạt 350.100 chứng chỉ quỹ, giá tăng 400 đồng và REE với 285.110 cổ phiếu, giá đứng.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index tăng nhẹ, lên 337,87 điểm, tăng 0,72 điểm với 39 cổ phiếu tăng giá, 11 cổ phiếu đứng giá và 36 cổ phiếu giảm giá.

Giá tăng mạnh nhất là S99 tăng 20.100 đồng, lên 222.000 đồng/cổ phiếu, SDA tăng 15.200 đồng, lên 305.000 đồng/cổ phiếu, tiếp đến là BVS tăng 11.000 đồng, lên 345.400 đồng/cổ phiếu, EBS tăng 10.300 đồng, lên 143.800 đồng/cổ phiếu và SD7 tăng 8.200 đồng, đạt mức 136.900 đồng/cổ phiếu. cổ phiếu có mức giá giảm nhiều nhất là HLY giảm 5.900 đồng, xuống 53.600 đồng/cổ phiếu và DTC giảm 3.200 đồng, còn 29.800 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào, họ bán 9 loại cổ phiếu, số lượng 500.800 cổ phiếu, trong đó bán nhiều nhất là 360.000 TBC, 66.900 PTC, 30.800 NTC và 21.000 SSI.

Họ mua vào 12 mã cổ phiếu với số lượng 310.400 cổ phiếu, trong đó mua nhiều nhất 200.000 BCC, 80.800 BTC và 12.400 SSI.