19:19 14/03/2007

Chứng khoán: Màu đỏ tràn ngập thị trường

Hồng Kỳ

Phiên giao dịch ngày 14/3 tiếp tục chứng kiến sự sụt giá của các cổ phiếu với cường độ mạnh hơn phiên trước

Một góc bảng chứng khoán trực tuyến của VCBS hôm nay - Ảnh chụp từ màn hình.
Một góc bảng chứng khoán trực tuyến của VCBS hôm nay - Ảnh chụp từ màn hình.
Phiên giao dịch ngày 14/3 tiếp tục chứng kiến sự sụt giá của các cổ phiếu với cường độ mạnh hơn phiên trước.

Chỉ số VN-Index đã giảm kỷ lục khi mất đi 44,06 điểm xuống còn 1.114,21 điểm (giảm 3,8%). Lượng giao dịch cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh hơn 20% và giá trị giao dịch giảm hơn 25% so với phiên trước. Bảng điện giao dịch tràn ngập một màu đỏ.

Đúng như lời cảnh báo của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về tình trạng “bong bóng” giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thêm vào đó là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu đã lây lan đến châu Á, trong đó có Việt Nam, khiến giá hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ trên sàn giao dịch chính thức lẫn OTC đều sụt giảm.

Theo giới chuyên môn, ngoài những yếu tố tác động từ bên ngoài, việc sụt giảm giá của nhiều cổ phiếu là do nhu cầu bán ra cổ phiếu của các nhà đầu tư khi sự kỳ vọng của họ về việc chia cổ tức, cổ phiếu thưởng đã được tính gộp vào giá cổ phiếu.

Tại sàn giao dịch Tp.HCM, giá của hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ đều giảm, đặc biệt là các cổ phiếu blue-chips. Theo thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, có đến 85 cổ phiếu giảm giá, có 16 cổ phiếu tăng giá và phần còn lại là đứng yên.

Đứng đầu là FPT, giảm 30.000 đồng xuống còn 580.000 đồng/cổ phiếu; SJS giảm 19.000 đồng; UNI giảm 17.500 đồng; HRC giảm 17.000 đồng; SAM và PVD cùng giảm 11.000 đồng, REE giảm 8.000 đồng; PPC, VNM, VSH giảm 4.000 đồng...

Cổ phiếu STB sau khi liên tục tăng giá từ mức dưới 100.000 đồng lên 154.000 đồng trong phiên giao dịch trước cũng không “thoát” khỏi xu hướng sụt giảm chung của thị trường. Giá của STB phiên này đã giảm 7.000 đồng xuống còn 147.000 đồng/cổ phiếu.

STB tiếp tục là cổ phiếu có mức giao dịch lớn nhất với 889.080 cổ phiếu, trị giá 131,9 tỷ đồng được chuyển nhượng (giảm nhẹ so với 1 triệu cổ phiếu hôm qua). Tiếp theo là cổ phiếu BBC với 439.510 cổ phiếu, PPC đứng thứ ba với 328.520 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Trái ngược với diễn biến của nhiều phiên trước khi thị trường tăng trưởng, dư mua kịch trần với số lượng lớn diễn ra ở nhiều cổ phiếu, thì trong phiên này khi thị trường đi xuống dư bán kịch sàn lại ngự trị ở hầu hết các cổ phiếu. Dư bán sàn nhiều nhất thuộc về STB với gần 500.000 cổ phiếu, kế đến là PPC với 453.790 cổ phiếu...

Chứng chỉ quỹ VF1 tiếp tục giảm 2.600 đồng (-5%) xuống mức 49.400 đồng cũng với hơn 1 triệu chứng chỉ được giao dịch. Ngược lại, BF1 lại tăng 800 đồng lên mức 17.200 đồng cũng với hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh.

Kết thúc phiên giao dịch, toàn thị trường chỉ có 8,9 triệu cổ phiếu, tương đương 911,1 tỷ đồng giá trị, giảm hơn 20% về số lượng và hơn 25% về giá trị giao dịch.

Một điểm đáng chú ý là trong bối cảnh thị trường đi xuống, khá nhiều mã giá rẻ vẫn được nhà đầu tư đặt lệnh mua như BF1, BTC, CAN, VTA, CYC. Tăng giá trần, BF1 còn dư mua tới 5,5 triệu chứng chỉ.

Tương tự sàn Tp.HCM, chỉ số HASTC-Index tại sàn Hà Nội cũng giảm mạnh 15,18 điểm xuống còn 431,77 điểm. Có 69 mã giảm, nổi bật là các tên tuổi lớn như ACB, BVS, SSI, BMI, MPC, TBC và nhóm cổ phiếu thuộc Tổng công ty Sông Đà...

Xu hướng giảm nhiệt của sàn Hà Nội còn thể hiện qua khối lượng và giá trị giao dịch. Trong phiên giao dịch ngày 14/3 này, chỉ có 2,75 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị xấp xỉ 323,4 tỷ đồng.

Nhiều dự báo cho rằng sự sụt giảm này sẽ còn tiếp diễn trong vài phiên tới.