Chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều tăng mạnh dù lợi suất trái phiếu lập đỉnh mới
Dù lợi suất trái phiếu lập đỉnh mới, nhà đầu tư lạc quan khi đón nhận báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến
Chứng khoán Mỹ giằng co trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/3) trước khi đóng cửa với sắc xanh rực rỡ. Chỉ số Nasdaq chốt một tuần giảm điểm mạnh do cổ phiếu công nghệ bị bán tháo trong mấy phiên trước, nhưng Dow Jones và S&P 500 hoàn tất một tuần tăng.
Thị trường bắt đầu phiên giao dịch trong trạng thái giảm, nối tiếp xu hướng lao dốc của phiên trước đó, do nhà đầu tư lo nhiều về đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hơn là vui về những tín hiệu tăng trưởng kinh tế khả quan. Trong suốt phiên, các chỉ số giằng co mạnh giữa giảm và tăng dưới tác động của hai luồng tâm trạng trái chiều này, hãng tin Reuters cho hay.
Báo cáo hàng tháng từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp có thêm 379.000 công việc mới trong tháng 2, vượt xa mức dự báo 182.000 công việc mới mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Nhờ vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm còn 6,2% từ mức 6,3% trong tháng 1.
Thống kê trên làm dấy lên hy vọng về đà khởi sắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay sau cú sụt giảm chóng mặt trong năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng mặt khác, dữ liệu việc làm cũng tiếp tục khiến nhà đầu tư lo lắng về khả năng trỗi dậy của lạm phát - một vấn đề có thể đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn và dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất sớm hơn dự báo.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thiết lập đỉnh cao mới của 1 năm ở 1,626% sau khi báo cáo trên được công bố. Tuy nhiên, đỉnh mới của lợi suất không còn gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu như trong những phiên trước, đặc biệt là đối với các blue-chip công nghệ.
Cổ phiếu Microsoft tăng 2,15%, đóng góp vào sự đi lên của chỉ số S&P 500 nhiều hơn bất kỳ cổ phiếu nào khác trong phiên này. Các cổ phiếu Alphabet, Apple và Oracle cũng tăng khá mạnh.
Tâm điểm của giới đầu tư ở Phố Wall giờ đây được hướng đến gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất. Thượng viện Mỹ hiện đang có sự mâu thuẫn lớn xung quanh kế hoạch này, nên cuộc thảo luận giữa các thượng nghị sỹ về kế hoạch có thể kéo dài và dẫn tới những thay đổi lớn về việc số tiền của gói kích cầu sẽ được chi ra sao.
Tuần này là tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp của Nasdaq, khi lợi suất trái phiếu tăng vọt gây suy giảm nhu cầu của nhà đầu tư đối với những cổ phiếu công nghệ đã tăng giá mạnh thời gian qua.
Lợi suất tăng gây nhiều áp lực giảm hơn cả lên những cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng lớn, vì những cổ phiếu này được định giá dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp, mà lãi suất cao sẽ tác động bất lợi đến lợi nhuận tương lai nhiều hơn lợi nhuận ngắn hạn.
Mức điểm đóng cửa của Nasdaq tuần này thấp hơn khoảng 8% mức đỉnh thiết lập hôm 12/2. Hôm thứ Năm, Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) vì giảm 10% so với đỉnh gần nhất này.
Ông Jake Dollarhide, Tổng giám đốc Longbow Asset Management, cho biết công ty của ông gần đây đã mua cổ phiếu một số công ty tăng trưởng đã giảm sâu trong đợt bán tháo vừa rồi. "Tôi cho rằng thị trường tuần tới sẽ tiếp tục biến động, với nhiều cơ hội và những cổ phiếu bị bán tháo gần đây có thể bật tăng trở lại", ông Dollarhide nói.
Chốt phiên, Dow Jones tăng 1,85%, đạt 31.496,3 điểm. S&P 500 tăng 1,95%, đạt 3.841,94 điểm. Nasdaq tăng 1,55%, đạt 12.920,15 điểm.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 tăng 3,9%, đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm nhờ giá dầu tăng mạnh.
Tính cả tuần, S&P 500 tăng 0,8%; Dow Jones tăng 1,8%; và Nasdaq sụt 2,1%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,86 lần số mã giảm; trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,12 lần. Sự sôi động của phiên này được thể hiện qua khối lượng 17,4 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, cao hơn nhiều so với mức bình quân 15,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.