Chứng khoán Mỹ lao dốc dù Chủ tịch Fed trấn an về chính sách tiền tệ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/3), dù Chủ tịch Fed nhắc lại lời hứa duy trì dòng tiền giá rẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/3), dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell nhắc lại lời hứa duy trì dòng tiền giá rẻ cho tới khi người Mỹ có đủ công ăn việc làm. Giới đầu tư vẫn đang lo ngại rằng Fed sẽ không làm đúng cam kết một khi nước Mỹ vượt qua được đại dịch Covid-19.
Theo tin từ Reuters, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo về phía mức đỉnh của tuần trước trong lúc ông Powell phát biểu. Tỷ giá đồng USD cũng đạt mức cao nhất 3 tháng, khiến giá vàng bị đẩy xuống mức thấp nhất trong 9 tháng.
Trái với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và trái phiếu, giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh nhất trí gia hạn phần lớn mức cắt giảm sản lượng sang tháng 4. Liên minh OPEC+ này cho rằng sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu từ cú sụt do đại dịch vẫn còn mong manh.
Ông Powell nói rằng với việc triển khai vaccine ngừa Covid và các biện pháp kích cầu bằng tài khóa, "có lý do tốt để cho rằng chúng ta sẽ sớm đạt thêm bước tiến" về phía mục tiêu của Fed là tạo việc làm tối đa trong nền kinh tế và mức lạm phát 2% bền vững. Phát biểu này được ông Powell đưa ra tại một diễn đàn do tờ báo Wall Street Journal tổ chức.
Nhưng "để đạt những mục tiêu đó sẽ phải mất nhiều thời gian", ông nói thêm.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,3%, còn 3.768,47 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số giảm tới 2,5%.
Chỉ số Dow Jones trượt 1,1%, còn 30.924,14 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,1%, còn 12.723,47 điểm.
Với phiên giảm này, Nasdaq chuyển sang trạng thái giảm trong năm 2021, với mức giảm từ đầu năm là 1,3%. Nếu so với mức đỉnh của 52 tuần gần nhất, chỉ số này đã giảm 10%, đồng nghĩa rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction).
Một trong những cổ phiếu gây áp lực giảm lớn nhất phiên này là Tesla, với mức giảm 4,9%.
"Thị trường vốn dĩ đang yếu ớt và chỉ tìm thêm lý do để bán", nhà giao dịch Dennis Dick thuộc Bright Trading phát biểu. "Giờ dây, ông Powell đã cho họ lý do như vậy".
Sắc đỏ cũng phủ khắp thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Năm. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu mất 0,37% điểm số; MSCI All-Country World Index của chứng khoán thế giới giảm phiên thứ ba liên tiếp, với mức giảm 1,62%.
Các thị trường chứng khoán mới nổi sụt 2,61%. MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chốt phiên giảm 2,63%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật trượt 2,13%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/2.
Đối với giới đầu tư chứng khoán ở Phố Wall nói riêng và trên toàn cầu nói chung, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vẫn đang là đám mây đen che phủ tâm trí. Ông Powell nói xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu thời gian gần đây là "đáng kể", nhưng không xem đây là một diễn biến "thiếu trật tự" hay đẩy lãi suất dài hạn lên quá cao đến mức Fed phải tính đến biện pháp can thiệp để kéo xuống.
Gần cuối phiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,5432%, từ mức 1,47% vào hôm thứ Tư. Tuần trước, lợi suất lên mức 1,614%, cao nhất trong 1 năm, do giới đầu tư đặt cược vào tốc độ hồi phục kinh tế được đẩy nhanh và áp lực lạm phát gia tăng do kích cầu và vacccine.
Gần đây, nhiều quan chức Fed đã lên tiếng trấn an thị trường về đà tăng của lợi suất. Dù vậy, vào hôm thứ Ba, thống đốc Fed Lael Brainard thừa nhận rằng mối lo về sự leo thang của lợi suất có thể gây bất lợi đến các hoạt động kinh tế.
Thượng viện Mỹ ngày thứ Năm bắt đầu cuộc thảo luận về gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất, sau khi Hạ viện thông qua dự luật này vào cuối tuần trước. Theo dự kiến, cuộc thảo luận ở Thượng viện sẽ kéo dài vài ngày và tiếp theo sẽ là cuộc bỏ phiếu để quyết định số phận của kế hoạch khổng lồ này.