Chứng khoán Mỹ giảm 6 phiên liên tiếp trước thêm báo cáo lạm phát quan trọng
“Có một điều cắc chắn là nỗ lực tăng lãi suất của Fed vẫn phải duy trì. Nếu báo cáo CPI ngày mai vẫn nóng, một số nhà đầu tư sẽ bắt đầu hiểu ra rằng chặng đường chống lạm phát sẽ dài như thế nào”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/10), đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ báo cáo lạm phát có thể giữ vai trò quan trọng trong việc định hình đường đi lãi suất do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ấn định trong thời gian tới. Dầu thô giảm giá phiên thứ ba liên tiếp vì nỗi lo suy thoái kinh tế.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 28,34 điểm, tương đương giảm 0,1%, còn 29.210,85 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt 0,33%, còn 3.577,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,09%, còn 10.417,1 điểm.
Đã có thời điểm trong phiên giao dịch, các chỉ số xanh nhẹ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 9 của ngân hàng trung ương này. Biên bản cho thấy Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao cho tới khi lạm phát cho thấy tín hiệu giảm nhiệt.
Có một nhận định trong biên bản trên dẫn tới lạc quan rằng Fed có thể giãn tiến độ tăng lãi suất, thậm chí sẽ đảo ngược việc tăng lãi suất nếu mức độ biến động trên thị trường tài chính gia tăng. “Một số thành viên dự họp nhấn mạnh rằng, nhất là trong môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu có mức độ bấp bênh cao như hiện nay, điều quan trọng là cẩn căn chỉnh tốc độ thắt chặt chính sách của thời gian tới cho phù hợp với mục đích giảm thiểu rủi ro của những hiệu ứng tiêu cực đối với triển vọng kinh tế”, biên bản có đoạn.
Tiếp đó, các chỉ số giằng co giữa tăng và giảm sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 cho thấy mức tăng lớn hơn dự báo. Chỉ số này tăng 0,4% trong tháng 9, so với mức dự báo tăng 0,2% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
PPI là một thước đo lạm phát được giới đầu tư theo dõi, gắn với đường đi chính sách của Fedl Nếu lạm phát cao dai dẳng, Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay cho tới khi lạm phát được đưa về tầm kiểm soát. Điều đó đồng nghĩa lãi suất sẽ tiếp tục tăng và có hể sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn thị trường dự kiến, gây áp lực lên giá cổ phiếu.
Sau báo cáo PPI, Phố Wall chờ một dữ liệu lạm phát thậm chí còn quan trọng hơn, và đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Năm.
“Giá cả vẫn giữ ở mức cao, nên không có gì ngạc nhiên khi giá hàng hoá và dịch vụ bán buôn tăng lên. Nhưng hãy lưu ý rằng mức tăng này đã ít hơn so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong những tháng liên tiếp trước đây của năm 2022”, ông Mike Loewengart, trưởng bộ phận xây dựng danh mục mẫu của Morgan Stanley Global Investment Office, nhận định với hãng tin CNBC.
“Có một điều cắc chắn là nỗ lực tăng lãi suất của Fed vẫn phải duy trì. Nếu báo cáo CPI ngày mai vẫn nóng, một số nhà đầu tư sẽ bắt đầu hiểu ra rằng chặng đường chống lạm phát sẽ dài như thế nào”.
Chứng khoán châu Âu và thế giới nói chung cũng giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu mất 0,53%; trong khi MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu giảm 0,31%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô giảm phiên thứ ba liên tiếp, dưới áp lực từ sự tăng giá của đồng USD, lãi suất tăng, và nỗi lo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm sút nếu xảy ra suy thoái kinh tế. Việc giá dầu liên tục giảm từ đầu tuần đến nay đảo ngược đà tăng trong tuần trước, có được nhờ động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2%, còn 92,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,3%, còn 87,27 USD/thùng.
Ngày 12/10, cả Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Bộ Năng lượng Mỹ đều cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu. OPEC+ là liên minh giữa OPEC và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Trong đó, OPEC giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay khoảng 0,46-2,64 triệu thùng/ngày, trên cơ sở những làn sóng Covid-19 trở đi trở lại ở Trung Quốc khiến nước này phải phong toả, cộng thêm lạm phát cao trên toàn cầu. “Nền kinh tế thế giới đã bước vào một giai đoạn có mức độ bấp bênh cao và thách thức ngày càng lớn”, OPEC nhận định trong báo cáo hàng tháng.
Bộ Năng lượng Mỹ thì cắt giảm dự báo cả về sản lượng và nhu cầu dầu ở Mỹ. Trong báo cáo mới nhất, cơ quan này cho rằng tiêu thụ dầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới năm nay chỉ tăng 0,9%, thay vì tăng 1,7% như đưa ra trong lần dự báo trước. Sản lượng khai thác dầu của Mỹ được dự báo tăng 5,2%, so với mức dự báo tăng 7,2% đưa ra lần trước.
Hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 và cảnh báo về rủi ro suy thoái gia tăng.
Thị trường năng lượng cũng đang đương đầu áp lực giảm giá từ môi trường lãi suất tăng và xu hướng lên giá của đồng USD.
Phát biểu ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari nói rằng Fed sẽ duy trì đường lối chính sách hiện nay “vì chúng tôi chưa thấy có nhiều bằng chứng nói lên rằng lạm phát trong nều kinh tế đang yếu đi”.
“Trong ngắn hạn, thị trường không thể chống lại Fed. Nhưng sẽ đến lúc, giá dầu sẽ dứt khỏi ảnh hưởng đó. Đó là khi chúng ta bước vào mùa đông và không còn lo nhiều về lạm phát nữa”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.