Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” vì cổ phiếu công nghệ bị bán tháo , giá dầu đi xuống
“Những gì diễn ra ngày hôm nay là những cổ phiếu đã được mua nhiều nhất trong hơn 1 năm qua đang là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất"...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/3), khi loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple kéo lùi các chỉ số khỏi mức kỷ lục thiết lập gần đây. Giá dầu thô giảm nhẹ sau khi Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq sụt 1,65%, còn 15.939,59 điểm. Thước đo với cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất này hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhóm công nghệ dẫn đầu sự giảm điểm của toàn thị trường.
Chỉ số Dow Jones mất 404,64 điểm, tương đương giảm 1,04%, còn 38.078,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,02%, còn 5.078,65 điểm.
Cổ phiếu Apple sụt khoảng 3% sau khi báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research cho thấy doanh số bán điện thoại iPhone tại thị trường Trung Quốc giảm chóng mặt trong 6 tuần đầu tiên của năm 2024.
Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Netflix và Microsoft đồng loạt giảm gần 3%; cổ phiếu hãng xe điện Tesla sụt gần 4%. Công nghệ thông tin là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, với mức giảm hơn 2%.
“Cổ phiếu càng tăng giá cao bao nhiêu, thì khi giảm sẽ càng giảm mạnh bấy nhiêu”, giám đốc đầu tư Scott Ladner của công ty Horizon Investments nhận định với hãng tin CNBC về phiên giảm này của cổ phiếu công nghệ. “Những gì diễn ra ngày hôm nay là những cổ phiếu đã được mua nhiều nhất trong hơn 1 năm qua đang là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất".
Cú sụt ngày thứ Ba, là phiên giảm thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ, diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm về đợt tăng lên kỷ lục vừa rồi của các chỉ số - với động lực là sự hưng phấn về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Dù giảm mạnh trong hai phiên vừa qua, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vẫn tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, thị trường giảm điểm ngay cả khi nhà đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Khả năng Fed hành động vào tháng 6 tăng lên sau khi các số liệu kinh tế Mỹ công bố trong ngày thứ Ba cho thấy những tín hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ chậm lại nhiều hơn so với dự báo và lượng đơn hàng mới mà các nhà máy nhận được cũng giảm mạnh hơn so với kỳ vọng.
Trước đây, mỗi khi có những dữ liệu cho thấy nền kinh tế yếu đi, thị trường có khuynh hương coi tin xấu là tin tốt bởi sự suy yếu của nền kinh tế đồng nghĩa Fed sẽ sớm giảm lãi suất. Nhưng phiên này lại khác.
“Đây có vẻ như là một ngày mà tin xấu đúng là tin xấu. Chúng ta có những số liệu kinh tế ảm đạm. Nhà đầu tư có vẻ đang lo nhiều hơn về một nền kinh tế giảm tốc, và ít quan tâm hơn tới vấn đề Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu lần trong năm nay”, chiến lược gia Tom Hainlin của công ty quản lý gia sản US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 4 tại New York giảm 0,59 USD/thùng, tương đương giảm 0,75%, còn 78,15 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,76 USD/thùng, tương đương giảm 0,92%, còn 82,04 USD/thùng.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Chính phủ nước này công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm nay và kế hoạch phát hành gần 139 tỷ USD trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài để đầu tư cho các dự án lớn. Mục tiêu tăng trưởng mà Bắc Kinh đưa ra không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, trong khi kế hoạch kích cầu không lớn như kỳ vọng của thị trường.
Trong bối cảnh như vậy, giá dầu tiếp tục đương đầu với áp lực giảm giá từ triển vọng tăng trưởng kinh tế có phần ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, sức ép giảm giá đối với “vàng đen” còn đến từ sản lượng dầu dồi dào của các quốc gia ở châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ.
Việc OPEC+ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho đến hết quý 2 năm nay, công bố vào cuối tuần vừa rồi, cũng không còn nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ giá dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Chiến lược gia Walter Chancellor của công ty Macquarie nhận định việc OPEC+ kéo dài cắt giảm sản lượng có lẽ đã được phản ánh hết vào giá dầu.
Dù tâm lý ham thích rủi ro suy giảm trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào một tài sản có độ rủi ro cao hơn, và đó là tiền ảo. Ngoài ra, vàng - một tài sản an toàn truyền thống - cũng được mua mạnh. Cả giá bitcoin và vàng đồng loạt lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Thị trường cho là số liệu kinh tế Mỹ yếu đi sẽ dẫn tới việc Fed hạ lãi suất. Đồng USD sẽ giảm giá vàng điều đó sẽ có lợi cho giá vàng.
“Cổ phiếu bị bán tháo và nhà đầu tư muốn rót tiền của họ vào những lĩnh vực khác mà họ cho là có thể mang lại lợi nhuận ở thời điểm này”, CEO Chuck Carlson của công ty Horizon Investment Services nhận định.