Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm, bitcoin bùng nổ qua mốc 68.000 USD
Giá tiền ảo và cổ phiếu tiền ảo tăng mạnh là một bằng chứng cho thấy tâm lý ham thích rủi ro đang tăng lên của giới đầu tư ở Phố Wall...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (4/2), khiến cả hai chỉ số S&P và Nasdaq cùng tuột khỏi mức kỷ lục mọi thời đại, dù cổ phiếu công nghệ duy trì xu hướng tăng nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Giá dầu thô giảm bất chấp OPEC+ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng, trong khi giá bitcoin tăng dữ dội qua mốc 68.000 USD, tiến sát mức kỷ lục mọi thời đại.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,12%, còn 5.130,95 điểm. Nasdaq trượt 0,41%, còn 16.207,51 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 97,55 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 38.989,83 điểm. Phiên giảm này diễn ra sau khi cả S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục mới trong tuần trước.
Độ giảm của các chỉ số được hạn chế một phần nhờ mức tăng hơn 3% của Nvidia - cổ phiếu lớn được ưa chuộng nhất trong trào lưu AI. Cú tăng giá bùng nổ lên gần mức cao nhất kể từ cuối năm 2021 của bitcoin cũng đưa loạt cổ phiếu tiền ảo tăng mạnh, như Microstrategy và Coinbase chốt phiên với mức tăng tương ứng gần 24% và hơn 11%.
Giá tiền ảo và cổ phiếu tiền ảo tăng mạnh là một bằng chứng cho thấy tâm lý ham thích rủi ro đang tăng lên của giới đầu tư ở Phố Wall. Tuy nhiên, một số cổ phiếu công nghệ lớn khác lại tụt dốc, gây áp lực giảm lên các chỉ số.
Nhóm dịch vụ truyền thông ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 phiên này. Apple giảm 2,5% sau khi bị Liên minh châu Âu (EU) áp án phạt chống độc quyền gần 2 tỷ USD liên quan đến dịch vụ phát trực tuyến (streaming) âm nhạc.
Xu hướng tăng của chứng khoán Mỹ trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay chủ yếu dựa vào đà tăng của cổ phiếu AI, khi giới đầu tư tin rằng công nghệ mới này sẽ tạo ra nhiều đột phá trong các lĩnh vực của đời sống con người trong những thập niên tới. Hôm thứ Sáu, Nasdaq thiết lập đỉnh cao mọi thời đại, phá vỡ kỷ lục trước đó thiết lập vào năm 2021 và trở thành chỉ số cuối cùng trong số 3 thước đo chính của chứng khoán Mỹ lập kỷ lục trong năm nay.
Tuy nhiên, với định giá cổ phiếu bị đẩy lên cao, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng sự tăng điểm khó duy trì.
“Giới đầu tư đang đặt câu hỏi: Liệu có nên chốt lời một chút ở thời điểm này hay tiếp tục nắm giữ cổ phiếu? Tôi cho rằng nhà đầu tư bây giờ nên ‘án binh bất động’ là tốt nhất, không nên thực sự làm điều gì cả”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
Theo dự báo của giới phân tích, chi phối diễn biến của thị trường trong tuần này sẽ là các thông tin về kinh tế Mỹ và biến động trong kỳ vọng của nhà đầu tư về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có cuộc điều trần trước Hạ viện vào ngày thứ Tư và trước Thượng viện vào ngày thứ Năm. Tiếp đó, các báo cáo về ngành sản xuất và thị trường lao động tháng 2 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,75 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, đóng cửa ở mức 82,8 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,23 USD/thùng, tương đương giảm 1,54%, còn 78,74 USD/thùng.
Dầu mất giá dù OPEC+ hôm Chủ nhật tuyên bố gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 2 sau khi thoả thuận này hết hạn vào cuối quý 1. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Chiến lược gia Walt Chancellor của công ty Macquarie nhận định rằng khả năng OPEC+ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng đã được phản ánh hết vào giá dầu từ trước khi quyết định của liên minh này được công bố, nên sau đó, quyết định không còn nhiều hiệu ứng đẩy giá dầu tăng nữa.
Phó chủ tịch cấp cao Jorge Leon của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định việc gia hạn kế hoạch giảm sản lượng cho thấy “quyết tâm mạnh mẽ” của OPEC+ trong việc tạo ra một mức sàn hơn 80 USD/thùng cho giá dầu trong quý 2. Theo ông Leon, nếu OPEC+ vội vã rút lại chương trình cắt giảm sản lượng, giá dầu có thể trượt về vùng 77 USD/thùng vào tháng 5.
“Quyết định của OPEC+ cũng có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy triển vọng nhu cầu dầu trong quý 2 năm nay đã trở nên kém lạc quan hơn so với nhận định của liên minh vào tháng 11 năm ngoái”, vị chuyên gia phát biểu.
Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin đêm qua có lúc đạt gần 68.600 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2021 - thời điểm mà đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới lập kỷ lục mọi thời đại ở ngưỡng 69.000 USD.
Lúc gần 8h sáng nay (5/3) theo giờ Việt Nam, giá bitcoin đứng ở mức khoảng 68.250 USD, tăng 6,3% so với cách đó 24 tiếng và tăng hơn 25% so với cách đó 1 tuần - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.
Tuần trước, giá bitcoin tăng 21% và giá đồng tiền ảo lớn thứ hai là ether tăng 16%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất của hai đồng này trong vòng khoảng 1 năm qua. Động lực tăng cho thị trường tiền ảo là một loạt quỹ ETF bitcoin giao ngay vừa được mở thêm ở Mỹ trong tuần vừa rồi.
“Với sự ra đời của 9 quỹ ETF bitcoin mới… giá bitcoin có thể lặp lại sự tăng điểm mạnh mẽ như vào đầu tuần trước, khi giá nhảy 10.000 USD chỉ trong vòng 2 ngày”, nhà đồng sáng lập Antoni Trenchev của sàn tiền ảo Nexo phát biểu.
Một số nhà phân tích cho rằng giá bitcoin có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhưng sau vài tuần nữa, “cơn sốt” sẽ dịu đi do áp lực chốt lời gia tăng. Nhìn trong dài hạn hơn, nhiều nhà đầu tư tin rằng sự kết hợp giữa nhu cầu đầu tư gia tăng vào các quỹ ETF bitcoin giao ngay ở Mỹ và nguồn cung bitcoin ngày càng thắt chặt do sự kiện phân đôi (halving) vào tháng 4 sẽ đẩy giá tiền ảo này lên kỷ lục mới.