07:49 07/03/2019

Chứng khoán Mỹ đuối dần, S&P 500 giảm mạnh nhất 1 tháng

Bình Minh

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ ba liên tiếp vào ngày thứ Tư, trong đó chỉ số S&P 500 có phiên sụt mạnh nhất 1 tháng

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ ba liên tiếp vào ngày thứ Tư, trong đó chỉ số S&P 500 có phiên sụt mạnh nhất trong vòng 1 tháng, do cổ phiếu năng lượng trượt giá mạnh và nhà đầu tư ngần ngại mua vào sau đợt tăng kéo dài từ đầu năm.

Theo hãng tin Reuters, với mùa báo cáo kết quả kinh doanh ở Phố Wall đã khép lại, giới đầu tư đang tìm kiếm những chất xúc tác mới để thúc đẩy thị trường. Trong đó, những thông tin được chờ đợi nhất là về một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng các dữ liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là bản báo cáo việc làm tháng 2 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu tuần này.

Từ đầu năm đến nay, hy vọng Mỹ-Trung ký thỏa thuận và lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giúp đưa S&P 500 tăng 10,6%. Tuy nhiên, lực tăng của thị trường đã đuối dần trong những phiên gần đây.

"Trong bối cảnh thiếu vắng những chất xúc tác tích cực, nhà đầu tư dễ chốt lời", chiến lược gia trưởng David Joy thuộc Ameriprise Financial nhận định. "Tôi không cho rằng diễn biến của thị trường ngày hôm nay là chỉ báo cho một xu hướng nào đó, mà chẳng qua chỉ là một sự dịch chuyển hơi quá trong ba ngày dao động trong biên độ hẹp (sideway) vừa rồi".

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,52%, còn 25.673,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,65%, còn 2.771,45 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,93%, còn 7.505,92 điểm.

"Thị trường đã tăng nhiều thời gian qua", ông Peter Tuz, Chủ tịch của Chase Investment Counsel, nhấn mạnh. "Không thể nói rằng giá cổ phiếu còn rẻ nữa".

Nhiều nhà đầu tư còn nói rằng mốc 2.800 điểm của S&P 500 là một ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng đối với khả năng tăng cao hơn của chỉ số, mặc dù chỉ số đã vượt qua được mức trung bình của 200 ngày.

"Thị trường đã vượt qua một loạt ngưỡng cản, nhưng mốc 2.800 đang chứng tỏ là một mốc khó vượt", ông Joy nói.

Nhóm cổ phiếu năng lượng sụt 1,3% phiên này, trong đó cổ phiếu Exxon Mobil giảm 1,1%, sau khi tập đoàn dầu khí này tuyên bố sẽ tăng đầu tư trong nhiều năm để cải thiện sản lượng khai thác.

Giá dầu thô giảm phiên này cũng gây áp lực lên cổ phiếu năng lượng. Do tồn kho dầu của Mỹ tăng, giá dầu thô WTI chốt phiên giao dịch ở New York với mức giảm 0,34 USD/thùng, còn 56,22 USD/thùng.

Cổ phiếu General Electric (GE) tiếp tục lao dốc, với mức giảm 7,9%, sau khi tập đoàn này hôm thứ Ba cảnh báo rằng dòng tiền từ mảng kinh doanh công nghiệp sẽ chuyển âm trong năm nay.

Trong báo cáo kinh tế định kỳ Beige Book, FED nói tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và đợt đóng cửa một phần kéo dài 35 ngày của Chính phủ Mỹ hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay đã gây áp lực lên nền kinh tế Mỹ trong những tuần đầu của năm 2019, nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ thị trường việc làm vững vàng.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,02 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 3,71 lần.

Có tổng cộng khoảng 7,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch ở Mỹ trong phiên này, bằng với khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.