07:52 05/12/2023

Chứng khoán Mỹ đuối sức sau 5 tuần tăng liên tiếp, giá dầu giảm, bitcoin vượt 42.000 USD

Bình Minh

Thị trường đang đặt cược khả năng gần 60% Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3/2024...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (4/12), một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu giá cổ phiếu đã tăng quá đà sau 5 tuần liên tục đi lên. Giá dầu thô nối dài xu thế giảm của tuần trước do lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong khi giá tiền ảo bitcoin duy trì xung lực tăng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 41,06 điểm, tương đương giảm 0,11%, còn 36.204,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,54%, còn 4.569,78 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 0,84%, còn 14.185,49 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn - nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của toàn thị trường trong năm nay - bị bán nhiều trong phiên này. Cổ phiếu Alphabet chốt phiên với mức giảm gần 2%; Meta giảm gần 1,5%; Microsoft giảm hơn 1,4%...

Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới bitcoin tăng mạnh, có thời điểm vượt qua mốc 42.000 USD, cao nhất 19 tháng. Nhờ đó, cổ phiếu tiền ảo đồng loạt tăng ấn tượng, như Marathon Digital và Riot Platforms tăng hơn 8% mỗi cổ phiếu; MicroStrategy và Coinbase tăng tương ứng 6,7% và 5,5%.

Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá bitcoin đứng ở mức 41.768 USD, tăng gần 4,3% so với cách đó 24 tiếng và nâng tổng mức tăng trong 1 tuần trở lại đây lên hơn 12%. Chất xúc tác cho bitcoin tăng giá đang là triển vọng lãi suất giảm và khả năng nhà chức trách Mỹ cho phép thành lập quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay.

“’Tiêu hoá’ là từ của thị trường trong ngày hôm nay. Những nhóm cổ phiếu giảm ngày hôm nay về cơ bản chính là những nhóm đã giữ vai trò trụ cột của thị trường trong 11 tháng qua”, chiến lược gia cấp cao Tom Hainlin của US Bank Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.

Hôm thứ Sáu tuần trước, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên gần 20%. Chỉ số Dow Jones của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn tăng hơn 9% từ đầu năm, trong khi Nasdaq - thước đo của các cổ phiếu công nghệ - đã tăng 35%.

Tuần trước đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp của cả ba chỉ số. Đối với Dow Jones, đây là chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ năm 2021.

Sau khi giảm sâu trong quý 3, chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu tháng 10, khi giới đầu tư tăng cường đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Kỳ vọng này đang dâng cao mặc cho Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần vừa rồi đã nỗ lực đẩy lùi các đồn đoán về giảm lãi suất, nói rằng “còn quá sớm” để bàn đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuần này, tâm điểm chú ý của Phố Wall sẽ hướng đến các báo cáo việc làm, trong đó có báo cáo việc làm tổng thể tháng 11 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Những điểm dữ liệu này được coi là chỉ báo quan trọng về tình hình kinh tế Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 12.

Cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2023 của Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần như 100% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này.

Cùng với đó, thị trường đặt cược khả năng gần 60% Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3, từ mức đặt cược chỉ khoảng 22% cho khả năng này cách đây 1 tuần.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,85 USD/thùng, tương đương giảm 1,08%, chốt ở mức 78,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,03 USD/thùng, tương đương giảm 1,39%, còn 73,04 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu đã giảm 2% dù liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và thành viên ngoài khối gồm Nga tuyên bố gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng cho tới hết quý 1/2024. Dầu giảm giá do thị trường tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, và hoài nghi về việc OPEC+ thực thi kế hoạch cắt giảm sản lượng.

“Thị trường cho rằng việc giảm sản lượng của OPEC+ sẽ không có nhiều ảnh hưởng vì thiếu thực chất”, chủ tịch Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates nhận định với hãng tin Reuters.

Trong khi đó, kết quả các cuộc khảo sát công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất trên toàn cầu tiếp tục yếu trong tháng 11 do tình trạng ảm đạm của nhu cầu. Hoạt động của các nhà máy ở khu vực eurozone thậm chí còn giảm, trong khi kinh tế Trung Quốc phát đi những tín hiệu không đồng nhất.

“Thoả thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ vào tuần trước không đủ sức thuyết phục đối với thị trường. Các nhà giao dịch có vẻ đang nghiêng về dự báo cho rằng kinh tế sẽ giảm tốc trong năm tới, nên tuyên bố của OPEC+ không có nhiều tác dụng nâng đỡ giá dầu”, nhà phân tích Craig Erlam của công ty dữ liệu và môi giới Oanda nhận định.