Chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng, giá dầu đi lên nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu cùng giảm
Nói chung, diễn biến của lợi suất và các chỉ số chứng khoán Mỹ trong phiên này là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư “đang tăng cường đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn”...
Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/10), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng đi xuống, trong khi nhà đầu tư đánh giá những dữ liệu kinh tế mới để có một bức tranh rõ nét hơn về tình trạng sức khoẻ nền kinh tế Mỹ. Giá dầu thô cũng chốt phiên trong trạng thái tăng dù đã giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 337,12 điểm, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 31.836,74 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 1,6%, chốt ở 3.859,11 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 2,2%, chốt ở 11.199,12 điểm.
Phiên tăng này nối tiếp hai phiên tăng mạnh trước đó. Hôm thứ Hai, Dow Jones và S&P 500 cùng tăng hơn 1% mỗi chỉ số, trong khi Nasdaq tăng 0,9%. Hôm thứ Sáu, Dow Jones tăng hơn 700 điểm.
Nhân tố chính tạo ra phiên tăng này của chứng khoán Mỹ là sự giảm nhiệt của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - mốc tham chiếu của thị trường - giảm 15 điểm cơ bản ở thời điểm gần cuối phiên giao dịch, còn 4,078%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm 3 điểm cơ bản, còn 4,473%.
Nói chung, diễn biến của lợi suất và các chỉ số chứng khoán Mỹ trong phiên này là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư “đang tăng cường đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm dịch chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn” - theo Giám đốc đầu tư Cliff Hodge thuộc Cornerstone Wealth.
Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Hodge nói rằng các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Ba cũng mang đến cho nhà đầu tư tia hy vọng về một sự dịch chuyển của Fed. Chỉ số giá nhà S&P CoreLogic Case-Shiller 20-City House Price Index cho thấy giá nhà đã giảm 1,3% tại 20 thành phố lớn ở Mỹ trong tháng 8 so với tháng 7, dù vẫn cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng cũng giảm, phản ánh quan điểm cho rằng nền kinh tế đã suy yếu, sau 2 tháng chỉ số này tăng.
“Cầu vồng đã xuất hiện sau cơn mưa. Chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế giảm tốc đủ để không còn phải lo về việc Fed tăng sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn những kỳ vọng đã được phản ánh vào giá tài sản”, Giám đốc đầu tư Paul Zemsky của Voya Investment Management nhận định trên CNBC. “Tôi nghĩ cuối cùng cũng đã đã đến lúc thị trường phản ánh chuẩn xác mức độ thắt chặt của Fed”.
Loạt báo cáo tài chính quý 3 của các doanh nghiệp lớn cũng tác động không nhỏ đến thị trường phiên này. Cổ phiếu General Motors (GM) và Coca-Cola tăng tương ứng 3,6% và 2,4% sau kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Xerox lao dốc 14% sau khi lợi nhuận không đạt kỳ vọng.
Trong mùa báo cáo này, các doanh nghiệp niêm yết ở Phố Wall đang chứng tỏ khả năng chống chọi tốt hơn kỳ vọng. Dữ liệu của FactSet cho thấy trong số các công ty đã báo cáo tính đến thời điểm này, có 71% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo.
Thị trường đang chờ báo cáo từ các Big Tech. Trong đó Alphabet và Microsoft công bố kết quả kinh doanh quý 3 sau khi thị trường đóng cửa phiên ngày thứ Ba. Meta Platforms, Amazon và Apple cũng đều công bố trong tuần này. Xét tới quy mô và giá trị vốn hoá khổng lồ của các “ông lớn” công nghệ, báo cáo của của các công ty này nhiều khả năng sẽ dẫn tới biến động trong các chỉ số.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,28%, chốt ở 93,52 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,87%, chốt ở 85,32 USD/thùng.
Vào đầu phiên, giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng vì nỗi lo kinh tế giảm tốc kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Sau đó, đồng USD giảm giá, cộng thêm mối lo về nguồn cung đã kéo giá dầu tăng trở lại.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm dưới 111 điểm, từ chỗ hơn 111 điểm trong phiên trước.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói rằng dự trữ năng lượng đang được sử dụng như một cơ chế để thao túng thị trường. “Nhiệm vụ của tôi là làm rõ rằng việc dự trữ khẩn cấp bị giảm có thể gây ra nhiều đau thương trong những tháng tới”, ông Abdulaziz phát biểu tại một hội nghị ở Ryiadh.
Phát biểu hôm thứ Ba, ông Fatih Birol - người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng thị trường khí đốt hoá lỏng (LNG) toàn cầu thắt chặt và việc các nước sản xuất dầu lửa lớn cắt giảm sản lượng đã đặt thế giới vào “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên”.
Những nhận định trên “là một lời nhắc nhở rằng cuộc khủng hoảng năng lượng còn lâu mới kết thúc. Vẫn còn đó những mối lo rằng thị trường dầu sẽ không có đủ nguồn cung”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định với hãng tin Reuters.