07:41 25/10/2022

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhờ kỳ vọng Fed chuyển sang mềm mỏng

Bình Minh

Thị trường cho rằng Fed có thể sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất một khi các dấu hiệu giảm tốc của tăng trưởng và lạm phát trở nên rõ ràng hơn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/10), nối tiếp đà tăng của tuần trước, khi nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm tính đến việc trở nên mềm mỏng hơn trong lập trường chính sách tiền tệ. Dầu thô giảm giá vì nỗi lo về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ năng lượng khi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, giảm tốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 417,06 điểm, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 31.499,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, đạt 3.797,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,9%, đạt 10.952,61 điểm.

Một báo cáo từ S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh ở Mỹ suy giảm trong tháng 10 này. Dữ liệu kinh tế ảm đạm này lại khiến nhà đầu tư khấp khởi hy vọng, vì được xem như một chỉ báo cho thấy các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed bắt đầu phát huy tác dụng “hạ nhiệt” nền kinh tế. Thị trường cho rằng Fed có thể sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất một khi các dấu hiệu giảm tốc của tăng trưởng và lạm phát trở nên rõ ràng hơn.

“Dữ liệu công bố ngày hôm nay là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi chậm lại, và những gì Fed đang làm đang mang lại tác dụng. Fed có thể sắp đạt mục tiêu và chúng ta có thể sắp đi được 3/4 chặng đường tăng lãi suất”, Chủ tịch Peter Tuz của Chase Investment Counsel nhận định với hãng tin Reuters.

Phiên tăng này còn diễn ra trong lúc nhà đầu tư chờ báo cáo tài chính quý 3 từ các Big Tech. Trong đó, Alphabet và Microsoft dự báo công bố vào ngày thứ Ba; Apple và Amazon vào ngày thứ Năm.

Đến hiện tại, đã có 1/5 số công ty trong S&P 500 báo cáo; trong đó 74,7% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo – theo dữ liệu từ Refinitiv. Giới phân tích dự báo mức lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 tăng bình quân 3% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự báo tăng 4,5% đưa ra hồi đầu tháng.

“Thực lòng mà nói, các báo cáo tài chính đợt này đạt mức ngang bằng hoặc thấp hơn so với kỳ vọng. Nhìn trên diện rộng, thị trường sẽ đi theo hướng như vậy trong 2 tuần tới đây”, chiến lược gia Terry Sandven của US Bank nói trên CNBC.

Theo quan điểm của ông Sandven, tình hình lạm phát và lãi suất vẫn đang là nhân tố chi phối chính giá cổ phiếu ở Phố Wall, nhưng nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại đang chú ý nhiều đến tình hình doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết vì đây đang là giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo tài chính.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Hai, đạt 4,25% vào cuối phiên. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm cũng nhích lên, đạt 4,52%.

Một số báo cáo tài chính tốt hơn dự kiến, cộng thêm kỳ vọng vào sự dịch chuyển của Fed đã đưa chứng khoán Mỹ có tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 6, với Dow Jones tăng 4,9%; S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 4,7% và 5,2%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,24 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 93,26 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,47 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 84,58 USD/thùng.

Dầu giảm giá sau khi số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 8 của Trung Quốc giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng USD tăng giá cũng gây sức ép giảm giá lên dầu trong phiên này, trong khi kỳ vọng vào một sự dịch chuyển sang mềm mỏng của Fed đã giúp hạn chế mức giảm.

“Sự phục hồi gần đây của nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã không thể duy trì trong tháng 9”, một báo cáo của ngân hàng ANZ nhận định, cho rằng các đợt phong toả chống Covid đang tiếp tục gây áp lực suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Trong khi đó, chuyên gia Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates cho rằng việc đồng USD tiếp tục tăng giá sẽ gây sức ép lên giá dầu và có thể khiến giá dầu WTI tụt dưới 80 USD/thùng trong tuần này.