06:52 28/09/2022

Chứng khoán Mỹ giảm 6 phiên liên tiếp, giá dầu hồi phục từ đáy 9 tháng

Bình Minh

“Chừng nào Fed còn tiếp tục tăng lãi suất và nhà đầu tư còn chưa nhận thấy sắp đến lúc Fed dừng tăng, thị trường sẽ tiếp tục yếu”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/9), với chỉ số S&P 500 chìm sâu hơn vào trạng thái thị trường gấu (bear market), trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ. Giá dầu thô hồi phục sau khi tụt xuống đáy 9 tháng, nhờ tin sản lượng khai thác dầu ở vùng Vịnh Mexico của Mỹ giảm sút.

Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,21%, còn 3.647,29 điểm. Trong phiên, có lúc thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall giảm còn 3.623,29 điểm, thấp hơn mức đáy nội phiên thiết lập hồi tháng 6 của thị trường gấu.

Chỉ số Dow Jones mất 125,82 điểm, tương đương giảm 0,43%, còn 29.134,99 điểm, dù có lúc tăng tới gần 400 điểm trong phiên giao dịch. Chỉ số Nasdaq tăng 0,25%, chốt ở 10.829,5 điểm.

S&P 500 hiện đang thấp hơn 24,3% so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 1. Dow Jones giảm 21,2% so với đỉnh cao mọi thời đại. Nasdaq đã tụt hơn 33% kể từ kỷ lục ghi nhận vào tháng 11 năm ngoái.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt 3,9% và tiếp tục hướng đến mốc 4%. Đầu năm, lợi suất của kỳ hạn này là 1,5%.

“Việc S&P 500 để mất các ngưỡng hỗ trợ 3.900 và 3.800 điểm và giảm dưới mức đáy tháng 6 nói lên một điều rằng tâm lý lo sợ rủi ro không hề thay đổi trong vòng 6 tuần trở lại đây”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Financial nhận định. “Thị trường vẫn lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt qua tay và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái”.

Lúc đầu phiên, thị trường nhận được cú huých sau khi Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans, phát tín hiệu lo ngại về việc Fed có thể đang tăng lãi suất quá nhanh trong cuộc chiến chống lạm phát. Những đánh giá này của ông Evans trái ngược với nhận định trước đó của một số quan chức khác trong Fed - những người không ngần ngại bày tỏ ủng hộ sự cứng rắn trong cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá cả.

Đến phiên này, chứng khoán Mỹ đã giảm 6 phiên liên tiếp, với S&P 500 và Dow Jones cùng đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ năm 2020.

“Chừng nào Fed còn tiếp tục tăng lãi suất và nhà đầu tư còn chưa nhận thấy sắp đến lúc Fed dừng tăng, thị trường sẽ tiếp tục yếu”, chiến lược gia cấp cao Tim Ghriskey của Ingalls & Snyder nhận định.

Ông Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục cấp cao của Dakota Wealth, nói rằng kịch bản xấu nhất là S&P 500 được hỗ trợ ở mức 3.000 điểm. “Mọi người đều đang lo ngại về Fed, về đường đi của lãi suất, về sức khoẻ của nền kinh tế, và về mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ đến trong 2 tuần nữa, khi các công ty có thể báo cáo lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng”, ông Pavlik phát biểu.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,6%, chốt ở 86,27 USD/thùng. Hôm thứ Hai, giá dầu Brent có lúc giảm còn 83,65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,33 USD/thùng, đóng cửa ở mức 78,5 USD/thùng.

Sản lượng khai thác dầu của Mỹ trên Vịnh Mexico đang giảm xuống trước cơn bão Ian. Dù vậy, giá “vàng đen” vẫn đương đầu áp lực giảm từ xu hướng tăng giá của đồng USD, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ, và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong phiên ngày thứ Ba, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tiếp tục lập đỉnh mới của 20 năm.

“Giá dầu đang bị chi phối nhiều bởi các yếu tố tài chính. Ở thời điểm này, những phiên tăng mang tính chất giải toả như phiên này, cũng chỉ là tạm thời thôi”, chuyên gia Tamas Varga của PVM Oil nhận định.

Giới phân tích dự báo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, có thể sẽ có động thái nào đó nhằm ngăn đà trượt dốc của giá dầu, chẳng hạn tuyên bố cắt giảm sản lượng. Theo dự kiến, cuộc họp chính sách sản lượng tới của liên minh này sẽ diễn ra vào ngày 5/10.