Chứng khoán Mỹ giảm điểm, giá dầu lên cao nhất kể từ cuối tháng 3
Lạm phát và những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang là chủ đề “nóng” nhất ở Phố Wall hiện nay...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (18/4), khi nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận loạt báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết lớn dự kiến công bố trong tuần này. Giá dầu tăng do gián đoạn ở Libya đẩy cao mối lo về sự thắt chặt nguồn cung trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn.
Lúc đóng cửa, Dow Jones và Nasdaq giảm 0,1% mỗi chỉ số, trong khi S&P 500 hạ 0,02%. Phiên giảm điểm diễn ra khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2022 bắt đầu nóng lên.
Trước khi thị trường bước vào phiên giao dịch ngày thứ Ba, hãng dược phẩm Johnson & Johnson cùng công ty bảo hiểm khổng lồ Travelers sẽ đưa ra những con số về doanh thu và lợi nhuận 3 tháng đầu năm. Loạt báo cáo quan trọng khác trong tuần này sẽ đến từ hãng đồ chơi trẻ em Hasbro, tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, và nhiều ngân hàng cỡ trung như Citizen Financial.
Lạm phát và những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang là chủ đề “nóng” nhất ở Phố Wall hiện nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng đang theo dõi xem liệu tình hình chuỗi cung ứng và nhu cầu của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp lớn diễn biến như thế nào. Điều này sẽ phản ánh trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay để chống lạm phát đã gia tăng trong những tháng gần đây, nhưng Fed cũng nói sẽ dựa vào các dữ liệu kinh tế để quyết định tiến độ tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm.
“Liệu việc Fed có thể vừa tăng lãi suất vừa giải quyết một số thiếu hụt mà chúng ta đang phải đối mặt với lao động, với linh kiện bán dẫn, và với bột mì hay không? Có lẽ là không. Bởi vậy, Fed có thể sẽ phải hành động ít quyết liệt hơn so với dự báo của nhiều người”, chuyên gia Adam Parker của Trivariate Research phát biểu.
Mối lo về sự quyết liệt của Fed đã gây ra nhiều biến động trên thị trường trái phiếu thời gian gần đây, và sự leo thang của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã gây áp lực giảm lên thị trường chứng khoán. Phiên ngày thứ Hai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất 3 năm. Trao đổi với hãng tin CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói rằng “một phần đáng kể trong kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed đã được phản ánh vào thị trường”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,24 USD/thùng, chốt ở 112,94 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt gần 114 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 30/3.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,85 USD/thùng, đạt 107,8 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt gần 109 USD/thùng, cao nhất từ 30/3.
Công ty Dầu lửa Quốc gia Libya ngày thứ Hai cảnh báo về nguy cơ đóng cửa hàng loạt các cơ sở khai thác dầu của nước này vì lý do bất ổn chính trị.
Cùng với đó, Interfax đưa tin sản lượng dầu thô của Nga giảm 7,5% trong nửa đầu tháng 4 so với tháng 3. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố cân nhắc tiến tới cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Chiến tranh Nga-Ukraine có thêm những bước leo thang mới. Nga tuyên bố các lực lượng của nước này đã gần giành quyền kiểm soát toàn bộ thành phố cảng Mariupol.
Dù vậy, triển vọng tăng giá dầu đang bị kìm hãm bởi mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc do phong toả kéo dài chống Covid-19. Số liệu công bố ngày thứ Hai cho thấy lượng dầu thô làm đầu vào cho các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc trong tháng 3 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Không rõ đến khi nào Trung Quốc mới mở cửa trở lại nền kinh tế. Các tín hiệu từ Trung Quốc đang thiếu sự đồng nhất, khiến giá dầu biến động”, nhà phân tich Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.
Tháng 3 vừa qua, giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, với giá dầu Brent có thời điểm vượt 139 USD/thùng.