09:00 18/04/2022

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng lớn

An Huy

Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ ngày càng lớn rơi vào suy thoái. Nguyên do là lạm phát tăng chóng mặt có thể sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ phải phản ứng mạnh tay để kiểm soát giá cả, dẫn tới việc tăng trưởng bị bóp nghẹt...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế mới đây do tờ Wall Street Journal thực hiện, khả năng xảy ra suy thoái Mỹ trong 12 tháng tới là 28%, so với mức 18% vào tháng 1 năm nay và 13% cách đây một năm. “Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đang tăng lên do một loạt cú sốc nguồn cung xảy ra trong nền kinh tế, trong bối cảnh Fed nâng lãi suất để chống lạm phát”, chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM US LLP phát biểu.

TĂNG TRƯỞNG SỤT GIẢM, LẠM PHÁT LEO THANG

Cũng trong cuộc khảo sát này, các chuyên gia kinh tế mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay. Theo đó, dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sau khi điều chỉnh theo lạm phát tăng 2,6% trong quý 4 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Mức dự báo tăng này giảm tròn 1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra cách đây 6 tháng, dù vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân hàng năm 2,2% của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Nguy cơ xảy ra suy thoái không xuất hiện một mình mà đi kèm với đó là lạm phát cao tới mức đáng báo động. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1981. Tình trạng này đặt Fed vào một thế khó: Fed muốn nền kinh tế “hạ nhiệt” tới mức đủ để kéo lạm phát xuống, nhưng chỉ cần thắt chặt quá tay một chút là sẽ khiến đầu tư sụt giảm và thất nghiệp tăng vọt.

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng lớn - Ảnh 1

Khả năng kinh tế Mỹ suy thoái hiện nay thấp hơn so với mức gần 35% vào tháng 9/2019. Ở thời điểm đó, kinh tế Mỹ giảm tốc do Fed nâng lãi suất trong năm 2018 và do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Vài tháng sau, Fed đã phải vực dậy tăng trưởng bằng cách khởi động chu kỳ cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008.

Tháng trước, Fed có đợt nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, và dự báo có thêm 5-6 lần nâng nữa trong năm nay. Trong đó, Fed không loại trừ khả năng có ít nhất một đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2000. Nếu vậy, đây sẽ là chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất trong 15 năm trở lại đây của Fed.

Trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal, khoảng 84% chuyên gia được hỏi cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng 5. Hơn 57% dự báo Fed sẽ có thêm ít nhất hai lần nâng lãi suất như vậy nữa trong thời gian đến hết năm 2022.

Trung bình, các chuyên gia trong cuộc khảo sát dự báo Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 2,125% vào cuối năm 2022 và lên 2,875% vào cuối năm 2023. Các mức dự báo này gần sát với dự báo mà Fed đưa ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo lạm phát ở Mỹ tiếp tục cao dai dẳng. Tính bình quân, họ cho rằng lạm phát sẽ ở mức 7,5% trong tháng 6 năm nay và giảm dần về 5,5% vào tháng 12 – một tốc độ tăng giá vẫn còn cao. Đến 2023, lạm phát được dự báo giảm về 2,9%, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đề ra.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN LẠM PHÁT

Khoảng 35% số chuyên gia tham dự khảo sát cho rằng giá hàng hóa cơ bản, lương thực-thực phẩm và xăng dầu tăng cao là nguyên nhân chính khiến lạm phát ở Mỹ leo thang; 15% đổ lỗi cho xung đột vũ trang Nga-Ukraine.

Trong số này, chuyên gia Amy Crews Cutts của AC Cutts & Associates LLC lo ngại lạm phát ở Mỹ sẽ duy trì ở mức cao và kéo dài vì cho rằng giá hàng hóa cơ bản sẽ không sớm hạ nhiệt trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine chưa kết thúc. Bà Cuttts cho rằng việc Fed nâng lãi suất sẽ không có nhiều tác dụng trong việc kiềm chế giá hàng hóa cơ bản, nhưng cũng nhấn mạnh rằng tốc độ lạm phát hiện nay khiến Fed không còn lựa chọn nào khác.

“Bị nhìn nhận là không chống lạm phát sẽ là một thất bại về mặt chính trị. Fed chẳng còn cách phản ứng nào khác là phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc Fed hành động để chống lạm phát sẽ sớm dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế”, bà Cutts nói. Vị chuyên gia này cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 70%.

20% số chuyên gia tham gia cuộc khảo sát xem tăng trưởng tiền lương và thị trường lao động thắt chặt là nguyên nhân lớn nhất đẩy giá cả trong nền kinh tế Mỹ lên cao.

“Cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ tạo ra một cú huých khác cho lạm phát trong ngắn hạn, nhưng vòng xoáy tăng lương mới chính là mối đe dọa lâu dài đối với ổn định giá cả”, chiến lược gia cấp cao Philip Marey của Rabobank phát biểu. Trong một vòng xoáy như vậy, người lao động được trả mức lương ngày càng cao để bắt kịp với sự tăng giá, và rồi mức lương cao hơn đó lại khiến các doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm của mình. Theo ông Marey, quá trình này hiện đang diễn ra rồi, nên Fed sẽ phải tăng lãi suất đến mức gây suy thoái kinh tế mới có thể phá vỡ được đà tăng của lạm phát.

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng lớn - Ảnh 2

 Chuyên gia Robert Fry đến từ Robert Fry Economics LLC cho rằng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới chỉ là 15%, nhưng trong 24 tháng tới sẽ là hơn 50%. Ông Fry dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 3 quý bắt đầu từ quý 4/2023.

“Vấn đề thực chất ở đây là sự dư thừa của nhu cầu bắt nguồn từ chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm ngoái”, ông Fry nói. “Fed càng chần chừ bao nhiêu trong việc đưa lạm phát về tầm kiểm soát, thì suy thoái sẽ càng sâu bấy nhiêu”.

Dù nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, song phần đông chuyên gia tham gia cuộc khảo sát (với tỷ lệ 63%) vẫn cho rằng Fed sẽ kiềm chế được lạm phát mà không gây suy thoái – đồng nghĩa với việc Fed thành công trong việc tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện nay ở vào một vị thế vững vàng để chống chọi với chính sách tiền tệ thắt chặt, vì tỷ lệ thất nghiệp đang ở gần mức thấp kỷ lục, thu nhập của người lao động tăng đều đặn, và mức vay nợ tương đối thấp của người tiêu dùng.

“Nhu cầu dồn nén vẫn còn nhiều và nền kinh tế vẫn còn đà tăng trưởng”, chuyên gia kinh tế cấp cao của Leo Feler của Trường Quản lý Anderson, Đại học California, Los Angeles (UCLA), nhận định. “Lãi suất tăng lên có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm từ mức khoảng 4-5% về 2-3% trong năm nay. Nền kinh tế sẽ giảm tốc nhiều, nhưng suy thoái là chuyện khó xảy ra”. Dù sao, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đang là câu chuyện được giới đầu tư và các nhà dự báo nói đến nhiều trong thời gian gần đây. Một báo cáo ngày 5/4 của Ngân hàng Đức Deutsche Bank cảnh báo kinh tế Mỹ có thể suy thoái từ cuối năm 2023 do chính sách tiền tệ thắt chặt. “Fed sẽ không tạo ra được một cuộc hạ cánh mềm. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt hơn sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, báo cáo có đoạn viết.

Tuần trước, ông Jamie Dimon - CEO của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase, cho rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể vô tình khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Theo ông Dimon, ít nhất kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 2 và quý 3 năm nay, nhưng “sau đó mọi chuyện sẽ trở nên khó đoán”. Ông cho rằng lạm phát và sự thắt chặt của Fed sẽ là những nhân tố đe dọa nền kinh tế. “Tôi chỉ muốn nói rằng đang xuất hiện những đám mây đen phủ bóng lên nền kinh tế. Cũng có thể những đám mây đó sẽ tan đi, cũng có thể là không”, ông Dimon nói.