Chứng khoán Mỹ giảm liền 3 phiên, giá dầu lập đỉnh mới 7 năm
Chuỗi phiên giảm liên tiếp của chứng khoán Mỹ diễn ra khi thị trường bị phủ bóng bởi nỗi lo tăng trưởng giảm tốc và lạm phát leo thang...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/10), khi nhà đầu tư đợi số liệu mới về lạm phát và trước khi bắt đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, còn 34.378,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2%, còn 4.350,65 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,1%, còn 14.465,92 điểm.
Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của chứng khoán Mỹ. Cả ba chỉ số gần như đi ngang trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, trước khi lực bán tăng mạnh lúc thị trường gần đóng cửa.
Tâm lý của thị trường vào thời điểm này là “chờ xem” trước khi đón nhận một loạt báo cáo quan trọng trong tuần, theo nhận định của ngân hàng Bank of America.
“Ngày hôm nay không có nhiều thông tin và thị trường đang đợi những ‘chất xúc tác’ sắp tới như số liệu CPI và doanh số bán lẻ tháng 9, biên bản cuộc họp mới đây nhất của Fed, và những báo cáo đầu tiên của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3”, các chuyên gia của Stifel nhận định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Tư. Giới phân tích cho rằng chỉ số này tăng 0,3% so với tháng 8 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một cuộc khảo sát của Dow Jones.
Cùng ngày thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 9. Điều mà giới đầu tư chờ đợi trong biên bản này là những dấu hiệu liên quan đến kế hoạch của Fed về cắt giảm chương trình mua tài sản.
Cũng trong ngày thứ Tư, ngân hàng JPMorgan Chase và hãng hàng không Delta Air Lines sẽ khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh thông qua công bố báo cáo tài chính quý 3 trước khi thị trường bắt đầu phiên giao dịch chính thức.
“Đang có nhiều trở ngại ở phía trước… Các nhà đầu tư đang chờ những tín hiệu dẫn dắt, nhất là khi nguy cơ tăng trưởng giảm tốc trở nên lớn hơn”, Giám đốc giao dịch Chris Larkin của E-Trade Financial nhận định.
Theo Refinitiv, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 được dự báo tăng 30% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 96,3% đạt được trong quý 1.
Chuỗi phiên giảm liên tiếp của chứng khoán Mỹ diễn ra khi thị trường bị phủ bóng bởi nỗi lo tăng trưởng giảm tốc và lạm phát leo thang.
Trong một báo cáo ra ngày 12/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trên cơ sở những thách thức về chuỗi cung ứng và ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, IMF cũng khuyến nghị các ngân hàng trung ương như Fed nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ nếu lạm phát tăng quá nóng.
Báo cáo của IMF cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu thô yếu đi trong phiên này.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,23 USD/thùng, còn 82,72 USD/thùng. Hôm thứ Hai, giá dầu Brent đạt 84,6 USD/thùng, cao nhất từ tháng 10/2018.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,12 USD/thùng, chốt ở 80,64 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ cuối năm 2014. Trong phiên, có lúc giá dầu đạt 81,62 USD/thùng.
Nếu tính từ đầu năm, giá dầu Brent đã tăng khoảng 64% và giá dầu WTI tăng gần 70%, do nền kinh tế thế giới hồi phục kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng mạnh, trong khi nguồn cung tăng chậm hơn. Với tốc độ tăng như vậy, giá dầu đang làm gia tăng mối lo lạm phát leo thang trên toàn cầu.
“Mọi người đang bắt đầu nhận ra rằng nguy cơ giá năng lượng leo thang cao hơn có thể gây trệch hướng tăng trưởng”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định. “Nhu cầu năng lượng tăng mạnh là tốt hay xấu đây?”