Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng nhờ cổ phiếu Tesla, dầu thô tụt giá vì nỗi lo cầu yếu
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (21/7), khi các chỉ số tăng tốc vào cuối phiên nhờ lực tăng của các cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn gồm Tesla....
Trong khi đó, giá dầu thô có thêm một phiên đi xuống, với giá dầu WTI tụt mốc 100 USD/thùng, vì nỗi lo nhu cầu sẽ yếu đi và nguồn cung năng lượng được cải thiện nhiều.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq tăng 1,36%, đạt 12.059,61 điểm. Chỉ số S&P 600 tăng 0,99%, đạt 3.998,95 điểm, mức đóng cửa cao nhất của chỉ số này kể từ ngày 9/6. Chỉ số Dow Jones tăng 0,51%, đạt 32.036,9 điểm.
Cổ phiếu Tesla tăng 9,8% trong phiên ngày thứ Năm, sau khi hãng xe điện vào cuối ngày thứ Tư công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Mức tăng ấn tượng này của cổ phiếu Tesla giúp bù lại sự đi xuống của nhiều cổ phiếu viễn thông và năng lượng. Cổ phiếu nhà mạng AT&T giảm mạnh, kéo theo loạt cổ phiếu viễn thông, sau khi công ty này cắt giảm dự báo dòng tiền vì nhiều thuê bao chậm thanh toán cước. Cổ phiếu năng lượng cũng giảm vì giá dầu thô giảm.
“Bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 đến lúc này có vẻ tốt hơn những gì mà giới đầu tư lo sợ”, nhà quản lý danh mục J. Bryant Evans của Cozard Asset Management nhận định. “Các nhà đầu tư chúng tôi cho rằng cổ phiếu, nhất là cổ phiếu công nghệ, đã giảm quá nhiều, và có thể đã xuất hiện một số cơ hội để mua vào ở đó”.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, có 9 phiên chốt phiên trong trạng thái tăng. Dẫn đầu là các nhóm tiêu dùng không thiết yếu, y tế, và công nghệ thông tin, với mức tăng hơn 1% mỗi nhóm. Giá dầu thô giảm khiến nhóm năng lượng giảm 1,7%.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,86%, còn 103,86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 3,5%, chốt ở 96,35 USD/thùng.
Giá xăng giao sau tại Mỹ giảm 0,15 USD/thùng, tương đương giảm 4,5%, còn 3,13 USD/gallon, sau khi dữ liệu thống kê hàng tuần cho thấy tồn kho xăng của nước này trong tuần trước tăng 3,5 triệu thùng, vượt xa dự báo của giới phân tích.
Việc dự trữ xăng tăng là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ có thể đang chững lại do nguy cơ suy thoái kinh tế và việc giá xăng-dầu tăng cao thời gian qua.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm do động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nguồn cung dầu từ Libya được nối lại, và việc Nga nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 sau 10 ngày đường ống này bảo dưỡng. Tất cả các diễn biến này đều giải toả nỗi lo về nguồn cung, nhưng lại đặt ra mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng, qua đó khiến giá dầu có một phiên đi xuống.
Tâm điểm chú ý của thị trường giờ đây đang hướng tới cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 26-27/7. Theo dự báo ở thời điểm hiện tại, trong lần họp này, Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để chống lạm phát.
Cũng trong tuần tới, số liệu tăng trưởng kinh tế quý 2 của Mỹ sẽ được công bố, và giới quan sát đang cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm một quý tăng trưởng âm. Theo định nghĩa suy thoái, 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp đồng nghĩa kinh tế Mỹ suy thoái.
Dữ liệu mới nhất cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên mức cao nhất 8 tháng - một báo cáo càng đẩy cao nỗi lo về nguy cơ suy thoái. “Người tiêu dùng đang bắt đầu phản ứng với việc có ít tiền hơn trong túi của họ, từ việc thị trường việc làm đi xuống hoặc từ lạm phát”, ông Evans nói thêm.
Trên sàn NYSE, có 10,58 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng phiên này, ít hơn mức bình quân 11,63 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất. Số mã cổ phiếu tăng giá ở NYSE nhiều gần 1,77 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, số mã giảm nhiều gấp 1,52 lần số mã tăng.