06:49 12/10/2023

Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng sau biên bản Fed, giá dầu sụt mạnh vì lời hứa của Saudi Arabia

Bình Minh

“Nhìn chung, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy các quan chức đã trở nên lo ngại nhiều hơn về các rủi ro gây suy giảm tăng trưởng trong nền kinh tế Mỹ"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (11/10), sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy sự thận trọng đối với việc tiếp tục tăng lãi suất. Giá dầu thô tiếp tục giảm sau khi Saudi Arabia hứa sẽ giữ thị trường ổn định trong bối cảnh xung đột quân sự ở dải Gaza.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 65,57 điểm, tương đương tăng 0,19%, chốt ở mức 33.804,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,43%, đạt 4.376,97 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,71%, đạt 13.659,68 điểm, lần đầu tiên chốt phiên trên ngưỡng trung bình 50 ngày kể từ tháng 9.

Biên bản cuộc họp ngày 19-20/9 của Fed đã được công bố vào ngày thứ Tư, với nội dung phản ánh rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới vẫn đang cân nhắc những điều khó lường trong triển vọng nền kinh tế Mỹ, bao gồm khó khăn trong việc đánh giá tình trạng của thị trường tài chính, cú sốc giá dầu có thể xảy ra, và ảnh hưởng của cuộc đình công trong ngành công nghiệp ô tô. Điều này cho thấy Fed đang thận trọng với việc liệu có nên tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay hay không, và sự thận trọng đó của Fed mang đến cho thị trường sự lạc quan.

Trước đó, trong hai phiên trước, nhà đầu tư ở Phố Wall đã phấn khởi khi một loạt quan chức của Fed phát tín hiệu rằng xu hướng tăng liên tục gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang khiến điều kiện tài chính thắt lại, qua đó có thể làm bớt phần việc của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát, nghĩa là Fed sẽ không cần phải tăng lãi suất thêm nữa.

“Nhìn chung, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy các quan chức đã trở nên lo ngại nhiều hơn về các rủi ro gây suy giảm tăng trưởng trong nền kinh tế Mỹ. Nhưng họ cũng cẩn trọng trước những tín hiệu khó xác định và đôi lúc trái ngược từ các dữ liệu kinh tế”, chiến lược gia Karl Schamotta của công ty Corpay ở Toronto nhận định với hãng tin Reuters.

Cùng ngày thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 cho thấy mức tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, nhưng thấp hơn mức tăng 0,7% ghi nhận trong tháng 8. PPI lõi, chỉ số không tính các nhóm lương thực-thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3%, cao hơn mức dự báo tăng 0,2%.

Báo cáo này cho thấy khả năng lạm phát ở Mỹ cao dai dẳng, đồng nghĩa Fed có thể phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán không có nhiều phản ứng sau khi báo cáo được công bố.

Thay vào đó, thị trường đang hướng sự quan tâm lớn hơn đến báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Giới chuyên gia đang dự báo CPI tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhà đầu tư cho rằng báo cáo này sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc Fed có ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 31/10-1/11 hay không.

Cuộc chiến tiếp tục căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine đang thúc đẩy giới đầu tư toàn cầu mua trái phiếu chính phủ để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vì thế tiếp tục giảm xuống, có thời điểm chạm đáy 2 tuần ở mức 4,544% trong phiên ngày thứ Tư.

Trên thị trường năng lượng, xung đột vũ trang ở dải Gaza tiếp tục đặt ra những câu hỏi về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu nếu chiến sự lan ra các quốc gia trong khu vực Trung Đông vốn là những nước sản xuất quan trọng. Tuy nhiên, vào hôm thứ Ba, Saudi Arabia cho biết đang làm việc với các đối tác khu vực và quốc tế để ngăn đà leo thang của căng thẳng, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực để bình ổn thị trường dầu.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,83 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 85,82 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,48 USD/thùng, tương đương giảm 2,9%, còn 83,49 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu đã tăng mạnh trong phiên ngày thứ Hai và quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Ba. “Giá dầu giảm trở lại vì mối lo về sự đứt đoạn nguồn cung đột ngột đã được gạt sang một bên”, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nhận định.

Công ty giao dịch hàng hoá Mercuria dự báo giá dầu có thể lên gần ngưỡng 100 USD/thùng nếu căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang và lan rộng.

Tuy nhiên, giá dầu đang đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng xấu đi của kinh tế toàn cầu. nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty dữ liệu Oanda nhận định: “Điều duy nhất đang trở nên rõ ràng đối với các nhà giao dịch là chặng đường phục hồi của kinh tế toàn cầu đang trở nên gập ghềnh hơn. Tiêu dùng ở Mỹ dang yếu đi và kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái”.

Chính phủ Đức ngày thứ Tư xác nhận dự báo rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể giảm 0,4% trong năm nay do lạm phát cao dai dẳng.