08:03 23/04/2024

Chứng khoán Mỹ hồi mạnh, giá dầu đi xuống khi căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt

Bình Minh

Áp lực bán tháo cổ phiếu cũng dịu đi nhờ thông tin khả quan từ Trung Đông. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở khu vực này lắng xuống, đồng nghĩa giải toả áp lực tăng giá dầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/4), khi cổ phiếu công nghệ hồi phục sau đợt bán tháo vào tuần trước và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông xuống thang. Giá dầu thô giảm sau khi Iran tuyên bố sẽ không leo thang xung đột với Israel.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 253,58 điểm, tương đương tăng 0,67%, chốt ở mức 38.239,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87%, chốt ở 5.010,6 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,11%, chốt ở 15.451,31 điểm.

Với phiên tăng này, cả S&P 500 và Nasdaq cùng chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.

Cổ phiếu Nvidia tăng 4,4% sau khi “bốc hơi” gần 14% trong tuần trước - tuần mất giá mạnh nhất của cổ phiếu hãng chip này kể từ tháng 9/2022. Một hãng chip khác là Arm Holdings chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần 7% trong phiên đầu tuần.

Áp lực bán tháo cổ phiếu cũng dịu đi nhờ thông tin khả quan từ Trung Đông. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở khu vực này lắng xuống, đồng nghĩa giải toả áp lực tăng giá dầu. Trước đó, giới đầu tư lo ngại giá dầu tăng cao có thể đẩy cao sức ép lạm phát ở Mỹ, dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.   

“Có lẽ, đang có hai động lực dẫn tới tâm trạng tốt lên trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Đó là việc giá vàng và giá dầu giảm xuống, cùng với việc đồng USD vững giá thay vì tăng thêm. Đối với nhà đầu tư, mối lo về sự lan rộng của chiến tranh ở Trung Đông đã suy yếu. Đang có một sự dịch chuyển khỏi nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng, trở lại với trạng thái chiến tranh ngầm ở khu vực này”, chiến lược gia Thierry Wizman của ngân hàng đầu tư Macquarie nhận định với hãng tin CNBC.

Tuần này, thị trường sẽ đón nhận báo cáo tài chính quý 1 của một loạt công ty niêm yết lớn gồm Tesla, Meta, American Airlines, Microsoft và Alphabet.

“Các báo cáo kết quả kinh doanh này có thể quyết định sự bán tháo cổ phiếu công nghệ sẽ chấm dứt hay tiếp tục. Hoặc có lẽ, nhà đầu tư sẽ tìm thấy những điểm khác biệt trong triển vọng tăng trưởng của những công ty tăng trưởng cao vốn đã dẫn dắt sự đi lên của thị trường trong 2 năm qua” - nhà quản lý danh mục Chris Fasciano của công ty Commonwealth Financial Network - phát biểu với CNBC.

Nhiều báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng cũng sẽ được công bố trong tuần này, gồm số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 dự kiến được đưa ra vào ngày thứ Năm và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) và ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng.

Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 30/4-1/5, nên giới chức Fed hiện đã bước vào thời kỳ im lặng, không có phát biểu gì liên quan đến chính sách cho tới khi họp xong.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,29 USD/thùng, chốt ở mức 82,85 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,29 USD/thùng, còn 87 USD/thùng.

Tuần trước, giá cả hai loại dầu đều giảm 3% do giới đầu tư tin rằng chiến tranh ở Trung Đông sẽ không leo thang thêm. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị ở “vựa” dầu của thế giới đã đẩy giá dầu WTI tăng gần 16% và giá dầu Brent tăng 13% từ đầu năm đến nay.

Trao đổi với kênh NBC News ngày thứ Hai, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nói nước này không có kế hoạch đáp trả cuộc không kích của Israel hôm thứ Sáu. “Miễn sao Israel không có thêm động thái chủ nghĩa phiêu lưu chống lại các lợi ích của chúng tôi, chúng tôi sẽ không có phản ứng tiếp theo nào”, ông Amiradollahian phát biểu.

Giới đầu tư hiện không còn lo ngại rằng các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Israel sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông. Tuần này, sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường dầu sẽ tập trung nhiều hơn vào các yếu tố cung-cầu.

“Phản ứng của thị trường với tình hình địa chính trị ở Trung Đông là một ví dụ nữa cho thấy chỉ nên kỳ vọng giá dầu tăng kéo dài trong trường hợp eo biển Hormuz bị chặn lại hoặc Saudi Arabia có dính líu trực tiếp đến xung đột”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định trong một báo cáo.