Chứng khoán Mỹ lại bán tháo dù số liệu GDP tốt hơn dự báo, giá dầu sụt hơn 2%
Nasdaq chìm sâu hơn vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) sau khi đón nhận báo cáo tài chính không đạt kỳ vọng của Meta Platforms...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (26/10), với chỉ số Nasdaq chìm sâu hơn vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) sau khi đón nhận báo cáo tài chính không đạt kỳ vọng của Meta Platforms. Áp lực giảm điểm đối với giá cổ phiếu và giá dầu thô còn đến từ nỗi lo lãi suất, do số liệu thống kê kinh tế mới nhất củng cố khả năng lãi suất được giữ ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 251,63 điểm, tương đương giảm 0,76%, còn 32.784,3 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 1,18%, còn 4.137,23 điểm. Vào thời điểm thấp nhất trong phiên, S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh - giảm 10% so với mức đỉnh đóng cửa gần nhất. Mức điểm chốt phiên của chỉ số thấp hơn suýt soát 10% so với mức đỉnh đó.
Chỉ số Nasdaq trượt 1,76%, còn 12.595,61 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa thấp hơn mức trung bình 200 ngày của chỉ số với các cổ phiếu công nghệ chiếm đa số. Sau khi giảm 2,4% trong phiên ngày thứ Tư, Nasdaq đã chính thức rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh vì thấp hơn 10% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 7.
“Phố Wall đã ít nhiều thất vọng với kết quả kinh doanh của các Big Tech đã công bố báo cáo tài chính trong mùa báo cáo này. Hai “ông lớn” công nghệ còn lại là Amazon và Apple cũng có thể sẽ đưa ra những con số kém lạc quan, xét tới triển vọng đang kém đi của nền kinh tế Mỹ”, nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định với hãng tin CNBC.
Meta, công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, công bố doanh thu và lợi nhuận quý 3 tốt hơn dự báo, nhưng cho biết doanh thu quảng cáo đang trên đà suy yếu trong quý 4 này. Nhà đầu tư cũng lo ngại về các biện pháp quản lý chi phí tại bộ phận thực tế ảo Reality Labs của Meta - bộ phận đã lỗ 3,7 tỷ USD trong quý 3. Cổ phiếu Meta đóng cửa với mức giảm 3,7%.
Trước đó, thị trường đã bán tháo trong phiên ngày thứ Tư, với mức giảm mạnh nhất cũng rơi vào Nasdaq - khi cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google, giảm 9,5% vì kết quả kinh doanh của mảng đám mây không đạt kỳ vọng. Phiên giảm ngày thứ Tư của Nasdaq là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 21/2.
Đợt điều chỉnh này của Nasdaq nói riêng và xu hướng giảm gần đây của thị trường Mỹ nói chung chủ yếu do đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Tháng này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt mốc chủ chốt 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007. Phiên ngày thứ Năm, lợi suất giảm 10 điểm cơ bản, còn 4,84%, nhưng không đủ để ngăn nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.
Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với tốc độ hàng năm 4,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Tuy nhiên, số liệu thống kê này dường như không giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều người cho rằng sự vững vàng của nền kinh tế đồng nghĩa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Triển vọng lãi suất như vậy có thể sẽ đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng trong những phiên tới.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,92 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, đóng cửa ở mức 88,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,93%, tương đương giảm 2,26%, còn 83,46 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Israel đã nhất trí trì hoãn mở cuộc tấn công đổ bộ nhằm vào dải Gaza cho tới khi các hệ thống phòng không của Mỹ có thể được triển khai trong khu vực.
Nỗi lo chiến tranh Israel-Hamas leo thang và lan rộng ra khu vực Trung Đông đã hỗ trợ giá dầu trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, cũng chính sự bất an này, cộng thêm nỗi lo về lãi suất, đang khiến giới đầu tư thận trọng với các tài sản rủi ro, trong đó có dầu thô.
“Chúng ta đang chứng kiến tâm lý thận trọng với rủi ro chiếm ưu thế trên thị trường. Mối lo kinh tế là nguyên nhân chính phía sau”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nói với hãng tin Reuters.
Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này còn có báo cáo hôm thứ Tư cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng mạnh - một dấu hiệu của nhu cầu suy yếu. Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này tăng 1,4 triệu thùng trong tuần qua, đạt 421,1 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 24.000 thùng mà giới phân tích đưa ra.