Chứng khoán Mỹ lên đỉnh cao mới, giá dầu “bốc hơi” hơn 7% tuần này
Cả ba chỉ số đều ghi nhận chuỗi 6 tuần tăng không nghỉ. Đây là chuỗi tuần tăng dài nhất từ đầu năm đến nay của Dow Jones và S&P 500..
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/10), với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới và hoàn tất 6 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu thô giảm mạnh, nâng tổng mức giảm của tuần lên hơn 7%, do triển vọng nhu cầu ảm đạm và tình hình Trung Đông tạm thời chưa có bước leo thang căng thẳng mới.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,4%, đạt 5.864,67 điểm. Dow Jones tăng 36,86 điểm, tương đương tăng 0,09%, đạt 43.275,91 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,63%, đạt 18.489,55 điểm.
Cả ba chỉ số đều ghi nhận chuỗi 6 tuần tăng không nghỉ. Đây là chuỗi tuần tăng dài nhất từ đầu năm đến nay của Dow Jones và S&P 500. Hai chỉ số này tăng tương ứng 0,96% và 0,85% cả tuần, trong khi Nasdaq tăng 0,8%.
Mùa báo cáo tài chính khả quan tiếp tục giữ vai trò động lực cho xu hướng tăng. Cổ phiếu Netflix tăng 11% sau khi công ty phát nội dung trực tuyến khổng lồ công bố doanh thu và lợi nhuận quý 3 đều cao hơn kỳ vọng của Phố Wall.
Theo dữ liệu từ FactSet, trong số hơn 70% công ty S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý 3 tính đến thời điểm này, hơn 75% đưa ra lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng.
Mức độ biến động của thị trường được cho là sẽ gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, xu hướng tăng có thể duy trì qua tháng 11 - theo trưởng chiến lược đầu tư Rob Williams của công ty Sage Advisory. Việc thị trường tăng điểm như vậy là không điển hình đối với một năm có bầu cử ở Mỹ.
“Thường thì giá cổ phiếu sẽ diễn biến theo chiều ngược lại, nghĩa là thị trường sẽ chần chừ trước khi có bầu cử, và sau bầu cử thị trường sẽ tăng. Bây giờ, chúng ta đang có điều ngược lại, tức là giá cổ phiếu tăng mạnh trước bầu cử, và sau đó mức độ biến động có thể sẽ lắng xuống”, ông Williams nói với hãng tin CNBC.
The chiến lược gia này, sức mạnh của chứng khoán Mỹ hiện nay một phần xuất phát từ việc nhà đầu tư tin rằng ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa sẽ thắng cử. So với ứng cử viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ, ông Trump được cho là có những chính sách thuế và quy chế giám sát thân thiện với doanh nghiệp hơn.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,39 USD/thùng, tương đương giảm 1,87%, chốt ở mức 73,06 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,45 USD/thùng, tương đương giảm 2,05%, còn 69,22 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu Brent giảm hơn 7% và giá dầu WTI giảm hơn 8%, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất của mỗi loại dầu kể từ tuần kết thúc vào ngày 2/9. Gây áp lực giảm lên giá dầu tuần này là việc cả Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2024 và 2025.
Số liệu thống kê công bố ngày thứ Sáu cho thấy Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 4,6% trong quý 3, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Dữ liệu này khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường năng lượng thêm phần bi quan.
“Trung Quốc giữ vai trò chủ chốt về nhu cầu. Nên giá dầu chịu nhiều áp lực giảm ngày hôm nay”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận định với hãng tin Reuters.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đã giảm liền 6 tháng do biên lợi nhuận thấp và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu yếu.
“Chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của xe điện ở Trung Quốc. Có nhiều yếu tố ở đây, nhưng ngoài sự suy yếu của nền kinh tế còn có xu hướng sử dụng xe điện ở Trung Quốc”, nhà phân tích độc lập Neil Atkinson nhấn mạnh.
Doanh số bán ô tô điện ở Trung Quốc tăng 42% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục hơn 1 triệu xe.
Về Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Sáu tuyên bố có một cơ hội để Mỹ dàn xếp giữa Israel và Iran nhằm tạm thời chấm dứt xung đột giữa hai nước.
“Những thông tin này khiến giá dầu bị mất đi phần bù rủi ro địa chính trị”, ông Kilduff nói.