Chứng khoán Mỹ mất điểm vì báo cáo CPI nóng hơn kỳ vọng, giá dầu giảm mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/2), khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 nóng hơn dự báo làm dấy lên lo ngại về sự trỗi dậy của lạm phát...
![Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/13/anh-man-hinh-2025-02-13-luc-07-32-03.png)
Giá dầu thô sụt hơn 2% vì Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tiếp tục đưa ra quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ và Tổng thống Mỹ Donald Trump có động thái nhằm tiến tới chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,27%, còn 6.051,97 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 225,09 điểm, tương đương giảm 0,5%, còn 44.368,56 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 19.649,95 điểm.
“Báo cáo CPI nóng hơn dự báo xác nhận mối lo của nhà đầu tư rằng lạm phát dai dẳng sẽ buộc Fed tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất. Các tài sản rủi ro như cổ phiếu vẫn có thể tăng giá, nhưng đường đi của thị trường sẽ không còn được bằng phẳng như hai năm qua”, trưởng bộ phận cổ phiếu và tài sản thực toàn cầu của Wells Fargo Investment Institute, ông Sameer Samana, nhận định với hãng tin CNBC.
Nhà đầu tư bắt đầu xả cổ phiếu sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI tăng 0,5% trong tháng đầu năm so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai mức tăng này đều cao hơn so với mức dự báo tăng tương ứng là 0,3% và 2,9% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Ngoài ra, mức tăng CPI của tháng 1 so với tháng trước là cao nhất kể từ tháng 12/2023, tăng tốc so với mức tăng 0,4% ghi nhận vào tháng 12.
Chỉ số CPI lõi, thước đo không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cũng đều là những mức tăng cao hơn so với kỳ vọng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm tăng tới mức 4,66% trong phiên này, gây áp lực giảm mạnh lên các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Một số cổ phiếu Big Tech chốt phiên trong sắc đỏ, như Amazon giảm gần 1,7% và Alphabet giảm gần 0,9%.
Các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất khác như tiêu dùng và ngân hàng cũng đi xuống do mối lo ngại rằng lãi suất cao hơn lâu hơn sẽ gây suy yếu chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.
![Biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ hàng tháng so với cùng kỳ năm trước, với đường màu xanh là CPI toàn phần và đường màu đỏ là CPI lõi - Nguồn: Reuters.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/13/anh-man-hinh-2025-02-13-luc-07-29-39.png)
Về chiến tranh thương mại, tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện phần nào trong phiên này khi người phát ngôn Nhà Trắng Mike Johnson nói rằng Nhà Trắng đang xem xét miễn trừ thuế quan có đi có lại đối với một số sản phẩm như dược phẩm và ô tô.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ áp thuế quan có đi có lại sớm nhất vào tối ngày thứ Tư đối với tất cả các quốc gia có thuế quan đối với hãng hóa nhập khẩu từ Mỹ. “Tôi có thể hành động muộn hơn hoặc tôi cũng có thể làm ngay vào sáng ngày mai. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ ký sắc lệnh về thuế quan có đi có lại”, ông Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng.
Dữ liệu lạm phát mới nhất, cùng với cuộc chiến thuế quan của ông Trump, có thể khiến Fed trì hoãn lâu hơn việc cắt giảm lãi suất. Thậm chí, một số nhà đầu tư đã bắt đầu tính đến khả năng động thái tiếp theo của Fed là một đợt tăng lãi suất chứ không phải là giảm.
Trong buổi điều trần định kỳ thứ hai, diễn ra tại Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ vào ngày thứ Tư, ông Powell nói rằng số liệu CPI mới công bố là một lời nhắc nhở rằng Fed đã đạt được “bước tiến lớn” trong việc đưa lạm phát về gần mục tiêu 2% nhưng “chưa thực sự đạt tới đó”.
“Chúng tôi muốn giữ chính sách thắt chặt ở thời điểm hiện tại”, ông Powell nói. Trước đó, trong buổi điều trần ngày thứ Ba trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, ông Trump nói Fed không vội cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, vào buổi sáng ngày thứ Tư trước khi báo cáo CPI được công bố, ông Trump lại nói lãi suất lẽ ra nên thấp hơn. Đây là lần thứ hai kể từ khi nhậm chức, ông Trump phát tín hiệu muốn Fed giảm lãi suất.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,82 USD/thùng, tương đương giảm 2,36%, còn 75,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,95 USD/thùng, tương đương giảm 2,66%, còn 71,37 USD/thùng.
Sự cứng rắn của ông Powell đã gây áp lực giảm lên giá dầu, do triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Ngoài ra, ông Trump đã có các cuộc gọi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Bắt đầu cách đây 3 năm, cuộc chiến này đã hỗ trợ giá dầu vì đặt ra rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga, một trong những nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
“Ông Trump đang thúc đẩy đàm phán hòa bình. Tôi cho rằng điều này đang khiến giá dầu mất đi một phần trong phần bù rủi ro”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump cho biết ông và ông Putin đã “nhất trí khởi động đàm phán ngay lập tức”. Văn phòng của ông Zelenskiy cho biết ông Trump và nhà lãnh đạo Ukraine đã điện đàm trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
“Sự kết hợp giữa lạm phát cao hơn và khả năng có đàm phán hòa bình cho Ukraine đang gây ra bán tháo trên thị trường dầu”, ông Flynn nhận định.
Trong báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,45 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng 1,43 triệu thùng/ngày trong năm 2026, không thay đổi so với dư báo đưa ra vào tháng trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) cũng giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu, nhưng nâng dự báo về sản lượng dầu của Mỹ. Theo đó, IEA nhận định sản lượng dầu thô của Mỹ năm nay sẽ đạt bình quân 13,59 triệu thùng/ngày, so với mức 13,55 triệu thùng/ngày đưa ra trong lần dự báo trước.