06:37 06/10/2021

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh, giá dầu đạt đỉnh 7 năm

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/10), sau phiên bán tháo vào đầu tuần. Giá dầu thô giữ đà leo thang và đạt đỉnh của nhiều năm do mối lo nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,92%, đạt 34.314,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,05%, đạt 4.345,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,25%, đạt 14.433,83 điểm.

Dẫn đầu phiên tăng điểm này của thị trường là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn: Netflix tăng 5,2%; Amazon tăng gần 1%; Apple tăng 1,4%; Alphabet tăng 1,8%; Facebook tăng 2% sau khi giảm 5% trong phiên ngày thứ Hai vì sự cố mất kết nối.

Cổ phiếu năng lượng cũng tăng mạnh phiên này, phản ánh xu hướng tăng mạnh gần đây của giá dầu, như Chevron tăng 1% và Enphase Energy tăng 1,6%.

Những nhóm cổ phiếu gắn bó mật thiết với sự phục hồi kinh tế, như các hãng tàu du lịch, hàng không, bán lẻ và ngân hàng, không nằm ngoài sự hồi phục của toàn thị trường. Norwegian Cruise Line tăng 1%; Goldman Sachs tăng 3,1%; và Wells Fargo tăng 2%.

Thời gian qua, cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu chu kỳ thường diễn biến trái chiều, nhưng phiên này sự tăng điểm diễn ra ở cả hai nhóm. Trong số các thành viên của Dow Jones, chỉ có 4 cổ phiếu kết thúc phiên này trong trạng thái giảm.

Hỗ trợ cho sự phục hồi là báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 9 tăng từ 61,9%, từ mức 61,7% trong tháng 8, cao hơn 2 điểm so với dự báo.

Hôm thứ Hai, Nasdaq giảm 2,1%, đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Dow Jones sụt hơn 0,9%; và S&P 500 mất 1,3% điểm số, chủ yếu do cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Cổ phiếu công nghệ là nhóm tệ nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong vòng 1 tháng trở lại đây do chịu áp lực từ đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất tăng do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hồi tháng 9 phát tín hiệu sẽ sớm bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản. Ngày thứ Ba, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là khoảng 1,53%, sau khi đạt đỉnh 1,56% vào tuần trước.

Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi về vấn đề nâng hoặc đình chỉ trần nợ quốc gia trước ngày 18/10 nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ nước này vỡ nợ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 5/10 cảnh báo rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái nếu Quốc hội không giải quyết đúng thời hạn vấn đề này.

“Sẽ là một thảm hoạ nếu các hoá đơn của Chính phủ không được thanh toán”, bà Yellen trả lời phỏng vấn CNBC.

Kinh tế Mỹ có một số dấu hiệu yếu đi trong tháng 9, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng của nền kinh tế vẫn tốt. “Tôi không cho rằng đợt cắt giảm rủi ro gần đây sẽ dẫn đến một xu hướng giảm kéo dài của thị trường. Bất kỳ một sự giảm nào cũng là một cơ hội để mua”, chiến lược gia trưởng Marko Kolanovic của JPMorgan Chase nhận định.

Tuần này, tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư sẽ là báo cáo việc làm tháng 9, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.

Giá dầu WTI giao sau tại Mỹ chốt phiên ngày thứ Ba với mức tăng 1,31 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, đạt 78,93 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI tăng hơn 2%, đạt 79,48 USD/thùng, cao nhất gần 7 năm.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 82,56 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt đỉnh 3 năm ở 83,13 USD/thùng.

Trước đó, giá cả hai loại dầu đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Hai, sau khi liên minh OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch mỗi tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho tới ít nhất tháng 4/2022, thay vì tăng sản lượng mạnh hơn như lời kêu gọi của một số quốc gia như Mỹ và Ấn Độ.

Giới đầu tư cho rằng tốc độ tăng sản lượng này của OPEC+ không đủ để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục.