18:18 04/10/2021

Khủng hoảng năng lượng đe dọa kinh tế toàn cầu

An Huy

Với giá dầu và khí đốt đồng loạt tăng chóng mặt ở khắp các châu lục cùng những đợt cúp điện liên miên ở Trung Quốc, một cuộc khủng hoảng năng lượng đang hình thành, đẩy áp lực lạm phát tăng cao và đe dọa sự hồi phục kinh tế còn mong manh trên toàn cầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Nước Anh đang trải qua một đợt khan hiếm nghiêm trọng xăng và dầu diesel. Nhiều công ty ở nước này gián đoạn hoạt động vì không có nhiên liệu, nhiều trạm xăng phải đóng cửa, các công ty bán lẻ xăng dầu suy sụp, giá năng lượng tăng chóng mặt, và người tiêu dùng hoảng sợ. Tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Anh xuất phát từ một số nguyên nhân đặc thù, bao gồm thiếu tài xế lái xe chở xăng dầu sau Brexit, nhưng câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở châu Âu và châu Á.

VÌ SAO KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Tại châu Âu, giá khí đốt tăng chóng mặt trong lúc mùa đông đang đến gần, khiến các chính phủ trong khu vực phải trợ cấp cho các hoá đơn nhiên liệu và áp trần giá nhiên liệu. Chỉ trong vòng một năm, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã tăng khoảng 500%, lên gần mức kỷ lục. Tại Mỹ, giá khí đốt đã tăng hơn 180% trong vòng 12 tháng qua, lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2014.

Khởi đầu năm 2021 ở mức hơn 50 USD/thùng, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London cách đây ít hôm đã vượt 80 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Tại Trung Quốc, thiếu điện gây đảo lộn cuộc sống của người dân và khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, đặt ra rủi ro mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ đã có nhiều nút thắt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Có một số nguyên nhân chung đẩy thế giới vào tình trạng khan hiếm năng lượng và giá nhiên liệu tăng cao.

Năm 2020, khi Covid mới trở thành đại dịch, kinh tế toàn cầu sụt tốc, kéo nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm theo. Để cứu giá dầu sau khi giá nhiên liệu này giảm dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đối tác ngoài khối, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu. Chứng kiến giá giảm sâu và triển vọng nhu cầu ảm đạm, các công ty dầu khí lớn cũng hoãn các dự án đầu tư phát triển mỏ mới.

Năm nay, khi hoạt động kinh tế tăng mạnh trở lại, nguồn cung dầu lửa và khí đốt đều tăng không kịp. Điều đó có nghĩa là nhu cầu phục hồi nhanh hơn nguồn cung, buộc giá phải tăng. Ngoài ra, các quỹ đầu cơ ở Phố Wall cũng góp phần đẩy giá dầu thô khí đốt lên cao hơn, khi họ nhận thấy mức tồn khonhững nhiên liệu này giảm sâu.

Anh và các nước châu Âu muốn dựa nhiều hơn vào nguồn điện gió từ vùng Biển Bắc, nhưng không may là những đợt gió vào thời điểm này của năm nay lại yếu hơn bình thường, khiến sản lượng của các nhà máy điện gió bị giảm xuống thấp.

Châu Âu cũng nghi ngờ rằng Nga - một nguồn cung cấp khí đốt chủ đạo của khu vực - cố tình bơm ít khí đốt hơn thường lệ nhằm nhấn mạnh về giá trị đối với châu Âu của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), một dự án gây tranh cãi. Tuy nhiên, Nga cũng có vấn đề của riêng mình là lượng khí đốt tồn kho thấp hơn thường lệ và cũng đang phải cố gắng làm đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa đông bắt đầu.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc bắt nguồn chủ yếu từ nguyên nhân nước này thiếu than cho các nhà máy phát điện. Ngoài ra, các địa phương của Trung Quốc cũng đối mặt sức ép của phải tuân thủ chính sách của chính phủ trung ương về cắt giảm ô nhiễm khí thải carbon, do đó phải hạn chế phát điện và giảm khai thác than. Trung Quốc đã cam kết cắt giảm cường độ tiêu thụ điện 3% trong năm nay nhằm tiến tới mục tiêu đỉnh carbon vào năm 2030 và trung tính carbon vào năm 2060. Hiện nay, khoảng 2/3 sản lượng điện của Trung Quốc là phát điện từ than. Chưa kể, tình trạng thiếu than của Trung Quốc còn do nước này dừng nhập khẩu than từ Australia như một biện pháp trả đũa khi mối quan hệ song phương căng thẳng.

KINH TẾ THẾ GIỚI BỊ ĐE DOẠ

Cuộc khủng hoảng năng lượng này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường đối với kinh tế thế giới.

Giá khí đốt và xăng dầu tăng cao có thể khiến lạm phát trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, thêm trầm trọng. Lạm phát leo thang đang gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và thậm chí phải tăng lãi suất từ năm 2022.

Chính sách tiền tệ thay đổi sẽ tác động mạnh đến thị trường tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu. Ngoài ra, lạm phát cao cũng khiến một số nghị sỹ Mỹ đặt câu hỏi về sự cần thiết của các chương trình chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cảnh báo rằng các biện pháp ngặt nghèo nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ điện sẽ dẫn tới sụt giảm sản lượng ngành sản xuất tại những địa phương đầu tàu trong lĩnh vực này như Giang Tô, Triết Giang và Quảng Đông - ba tỉnh chiếm tổng cộng khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc. Sản lượng hàng hoá giảm có thể đẩy giá cả tăng cao ở cả Trung Quốc và các nước nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc.

“Thị trường toàn cầu sẽ cảm nhận được sự thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm từ dệt may, đồ chơi trẻ em tới linh kiện máy móc”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura Holdings tại Hồng Kông, ông Lu Ting, nhận định với hãng tin Bloomberg.

Khủng hoảng thiếu điện gia tăng áp lực đối với kinh tế Trung Quốc, vào đúng thời điểm nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc vì những nhân tố như biện pháp kiểm soát Covid và hạ sốt thị trường bất động sản.

Nomura Holdings, China International Capital Corp. và Morgan Stanley đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và cảnh báo về nguy cơ giảm tốc sâu hơn của nền kinh tế do thiếu điện. Trong báo cáo ra ngày 28/9, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc về 7,8% từ mức 8,2% trước đó cho năm 2021, và còn 5,5% cho năm 2022.

Lãnh đạo một số tổ chức doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu đã lên tiếng xác nhận rằng tình trạng cúp điện liên miên ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài ở nước này, hãng tin CNBC cho hay.

“Một số công ty đang thận trọng về kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc. Họ chọn không triển khai vào lúc này”, ông Johan Annell, chuyên gia thuộc Công ty tư vấn Asia Perspective nhận định. Theo ông Annell, thiếu điện ở Trung Quốc là một lý do nữa để các doanh nghiệp nước ngoài muốn dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.

Đợt tăng giá năng lượng toàn cầu này diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với các chính phủ trên thế giới, khi họ vừa phải đương đầu với lạm phát cao, vừa phải thúc đẩy sự dịch chuyển khỏi các nhiên liệu hoá thạch nhằm chống lại sự nóng lên của Trái đất.

Theo Công ty nghiên cứu IHS Markit, đã có ít nhất bốn nước trong Liên minh châu Âu (EU) triển khai kế hoạch để tiến tới chấm dứt việc sản xuất nhiên liệu hoá thạch trong nước vào năm 2050. Tổng thống Mỹ Biden đã đặt mục tiêu cho Mỹ phát điện không tạo ra khí thải carbon vào năm 2035 - một mục tiêu tham vọng đòi hỏi một sự dịch chuyển nhanh khỏi khí đốt và than trong phát điện sang năng lượng gió và mặt trời.

Việc giá khí đốt và giá dầu tăng cao hiện nay là một sự nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hoá thạch và sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình “cai” nguồn nhiên liệu truyền thống này.