Chứng khoán Mỹ phục hồi theo cổ phiếu chip, dầu tụt giá
Nhà đầu tư đang xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau trong cùng một phiên giao dịch, khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ thường biến động không đồng nhất trong những phiên gần đây...
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/6) nhờ sự phục hồi của cổ phiếu Nvidia, sau phiên bán tháo cổ phiếu này vào đầu tuần khiến hai chỉ số sụt điểm mạnh. Giá dầu thô quay đầu giảm giá sau mấy phiên tăng liên tiếp gần đây, trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm về tình hình Trung Đông và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,39%, chốt ở mức 5.469,3 điểm. Nasdaq tăng 1,26%, chốt ở 17.717,65 điểm. Cả hai chỉ số cùng chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones một lần nữa trái chiều với hai chỉ số còn lại, mất 299,05 điểm trong phiên này, tương đương giảm 0,76%, còn 39.112,16 điểm. Trong phiên ngày thứ Hai, Dow Jones đã tăng khá mạnh khi S&P 500 và Nasdaq giảm điểm. Trong đó, lực bán ồ ạt nhằm vào cổ phiếu công nghệ khiến Nasdaq trượt hơn 1%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4.
Cổ phiếu Nvidia chốt phiên ngày thứ Ba với mức tăng khoảng 6,7%, sau khi giảm với mức độ tương tự trong phiên trước - phiên giảm mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ hôm 19/4. Nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn cũng hồi phục theo Nvidia sau phiên bán tháo hôm thứ Hai. Meta Platforms và Alphabet đều tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu.
Nhà đầu tư đang xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau trong cùng một phiên giao dịch, khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ thường biến động không đồng nhất trong những phiên gần đây. Vào hôm thứ Hai, nhà đầu tư xả cổ phiếu công nghệ và mua cổ phiếu ngân hàng và năng lượng, dẫn tới việc Dow Jones tăng hơn 260 điểm dù hai chỉ số còn lại đi xuống. Đến phiên ngày thứ Ba, xu thế của phiên trước bị đảo ngược, dẫn tới Dow Jones mất điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq phục hồi.
Theo Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của công ty Independent Advisor Alliance, việc cổ phiếu Nvidia và các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác giảm giá gần đây có thể chỉ là một đợt điều chỉnh ngắn hạn.
“Nhóm công nghệ vẫn đang dẫn dắt thị trường và Nvidia đang được bắt đáy. Năm nay vẫn là năm của cổ cổ phiếu công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Việc nhóm này giảm mấy ngày vừa rồi có thể do hoạt động chốt lời. Đúng là định giá của các cổ phiếu công nghệ và AI đang khá cao, nhưng cơn sốt AI có nền tảng thực chất hơn nếu so với bong bóng công nghệ. Những cổ phiếu đang tăng giá mạnh đều có tăng trưởng thu nhập mạnh”, ông Zaccarelli nhận định với hãng tin CNBC.
Nhà đầu tư này tiếp tục tin tưởng xu hướng giá lên của thị trường sẽ tiếp tục đến mua thu, cho rằng “AI đã thay thế việc cắt giảm lãi suất ở vai trò duy trì thị trường giá lên”.
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Dữ liệu PCE được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm manh mối về bức tranh lạm phát và qua đó định hình kỳ vọng về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất.
Phát biểu ngày thứ Ba, Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc lại quan điểm rằng việc duy trì lãi suất “thêm một thời gian” có thể sẽ đủ để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Nhà hoạch định chính sách tiền tệ thuộc phe cứng rắn này cũng một lần nữa nói rằng bà sẵn sàng ủng hộ việc tăng lãi suất thêm nếu cần thiết.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,8 USD/thùng, tương đương giảm 0,98%, còn 80,83 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 1 USD/thùng, tương đương 1,16%, còn 85,01 USD/thùng.
Tháng 6 này, giá dầu WTI và giá dầu Brent đã tăng tương ứng 4,9% và 4,1% nhờ lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè.
Tuy nhiên, xung lực tăng đã bị đảo ngược trong phiên ngày thứ Ba do nhiều quỹ đầu tư chốt lời đối với trạng thái đầu cơ giá lên dầu - theo chiến lược gia Ryan McKay của công ty TD Securities.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu sức ép giảm đến từ một báo cáo cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm nhẹ trong tháng 6 - một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu trong những tháng mùa hè có thể không được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông Kay cho rằng căng thẳng địa chính trị sẽ giữ vai trò là một yếu tố quan trọng ngăn bán tháo xảy ra trên thị trường dầu. Hiện tại, căng thẳng gia tăng giữa Israel và Lebanon đang đặt ra rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu.
“Chỉ số rủi ro nguồn cung năng lượng của chúng tôi đã tăng lên gần đây, cho thấy giá dầu có thể được hỗ trợ trong ngắn hạn. Nhưng mức tăng có thể sẽ bị hạn chế bởi nguồn cung dầu toàn cầu tăng và OPEC+ nâng sản lượng trở lại. Những yếu tố này có thể đặt ra mối nghi ngờ về cân bằng cung-cầu dầu trong năm 2025” theo hướng bất lợi cho giá dầu - ông McKay viết trong một báo cáo.
Trong khi đó, một báo cáo của công ty Rystad Energy nhận định giá dầu Brent trên 85 USD/thùng có thể là sự khởi đầu cho một xu hướng tăng mới của giá dầu, khi rủi ro địa chính trị và các yếu tố nền tảng thuận lợi cho giá dầu đồng thời xuất hiện. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo giá dầu Brent có thể đạt 90 USD/thùng trước tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.