Chứng khoán Mỹ sụt điểm vì báo cáo CPI thổi bùng mối lo lãi suất “cao hơn, lâu hơn”
Sau báo cáo CPI, nhiều nhà đầu tư tin rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ còn duy trì ở mức cao, đặt ra áp lực giảm lên giá cổ phiếu...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (12/10), do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại sau khi số liệu lạm phát mới nhất đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Giá dầu thô giằng co và chốt phiên trong trạng thái không đồng nhất, sau một báo cáo cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng nhiều hơn dự báo.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 173,73 điểm, tương đương giảm 0,51%, còn 33.631,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,62%, còn 4.349,61 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,63%, còn 13.574,22 điểm. Phiên giảm này khiến cả ba chỉ số chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.
Báo cáo từ Cục Thống kê lao động, Bộ Lao động Mỹ, cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,4% trong tháng 9 so với tháng 8 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo mức tăng tương ứng 0,3% và 3,6%. Lạm phát lõi, chỉ số không bao gồm giá lương thực-thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% trong tháng và tăng 4,1% trong 12 tháng, bằng với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.
Trước đó, số liệu công bố vào hôm thứ Tư cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), một thước đo lạm phát quan trọng khác, tăng nhiều hơn so với dự báo của giới chuyên gia.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng trở lại sau báo cáo lạm phát mới nhất. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng gần 11 điểm cơ bản, lên mức 4,7%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng hơn 6 điểm cơ bản, đạt mức 5,06%.
Cách đây chưa lâu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt mức cao nhất 16 năm, phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo. Đầu tháng này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 4,8%.
Sau báo cáo CPI, nhiều nhà đầu tư tin rằng lợi suất sẽ còn duy trì ở mức cao, đặt ra áp lực giảm lên giá cổ phiếu.
“Dữ liệu CPI cho thấy sự cứng đầu của lạm phát, làm suy giảm niềm tin rằng chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu lạm phát 2%”, chiến lược gia Phillip Colmar của công ty MRB Partners nhận định với hãng tin CNBC, cho rằng chứng khoán sẽ tiếp tục giảm vì “thị trường nhận ra rằng lợi suất sẽ còn tăng”.
Chiến lược gia Sonu Varghese của công ty Carson Group đưa ra đánh giá tương tự, nhấn mạnh rằng mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và giá cổ phiếu đã ngay lập tức quay trở lại khi lợi suất tăng, giống như những gì đã diễn ra trong những tuần gần đây.
Ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chính thức bước vào mùa báo cáo tài chính quý 2 bằng loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,18 USD/thùng, chốt ở 86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,05 USD/thùng, còn 83,44 USD/thùng. Trong phiên, giá mỗi loại dầu có thời điểm tăng hơn 1 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi mối lo về bất ổn có thể leo thang và lan rộng từ dải Gaza ra khắp Trung Đông - khu vực sản xuất dầu chính của thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo hàng tuần của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này tăng 10,2 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo tăng nửa triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó, đạt 424,2 triệu thùng. Số liệu này đã gây áp lực giảm, khiến giá dầu thô giữ được thành quả tăng trước đó trong phiên.
Trong bối cảnh xung đột dữ dội giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - tiếp tục cam kết sẽ chủ động trong việc bình ổn thị trường dầu.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cũng lên tiếng trấn an thị trường, nói rằng giá dầu hiện nay đã phản ánh cả cuộc xung đột ở dải Gaza và cho thấy rủi ro tăng giá dầu là không lớn. Ông Novak cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục nới lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu nếu cầu thiết.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự bi quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm tới, cho rằng điều kiện kinh tế khó khăn hơn và sự cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ khiến nhu cầu tăng yếu. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 chỉ tăng 880.000 thùng/ngày, thay vì tăng 1 triệu thùng/ngày như dự báo trước đó.
Tuy nhiên, IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay, cho rằng mức tăng sẽ đạt 2,3 triệu thùng/ngày, từ mức 2,2 triệu thùng/ngày đưa ra trong lần dự báo trước.
Trái lại, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo cho rằng nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng mạnh trong năm 2024, với con số dự báo là tăng 2,25 triệu thùng/ngày.
Theo ước tính của EIA, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga tăng thêm tới 460.000 thùng/ngày trong tháng 9 vừa qua, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và cam kết của nước này về hạn chế sản lượng dầu trong OPEC+, liên minh giữa Nga và một số nước khác với OPEC.