Chứng khoán Mỹ tăng điểm dù Chủ tịch Fed tiếp tục cứng rắn, giá dầu “bốc hơi” 4%
“Nhà đầu tư đang lưỡng lự. Họ đặt câu hỏi đây đã thực sự là một thị trường bò bền vững hay chưa"...
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tiếp tục thể hiện lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn. Trong khi đó, động thái tăng lãi suất mạnh tay bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) khiến nhà đầu tư lo lắng về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, dẫn tới phiên giảm mạnh của giá “vàng đen”.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,37%, đạt 4.381,89 điểm. Nasdaq tăng 0,95%, đạt 13.630,61 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 4,81 điểm, tương đương giảm 0,01%, còn 33.946,71 điểm.
Trong ngày điều trần thứ hai về chính sách tiền tệ, diễn ra tại Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện, ông Powell hàm ý rằng Fed chưa đạt tới hồi kết của chu kỳ thắt chặt. Tuy nhiên, ông cũng trấn an rằng Fed sẽ hành động với tất cả sự thận trọng.
Nhìn chung, quan điểm cứng rắn kèm theo một chút mềm mỏng này đã được Chủ tịch Fed thể hiện cả trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Fed vào tuần trước và trong ngày điều trần đầu tiên vào hôm thứ Tư, diễn ra tại Uỷ ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện.
Giới đầu tư đã quay trở lại mua mạnh các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple, Amazon và Micorosft. Trong khi đó, cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Boeing bị bán mạnh, gây áp lực giảm lên Dow Jones.
“Nhà đầu tư đang lưỡng lự. Họ đặt câu hỏi đây đã thực sự là một thị trường bò bền vững hay chưa. Ở thời điểm này, chưa có chất xúc tác rõ rệt nào cho thị trường, mà mùa báo cáo tài chính quý 2 phải 2 tuần nữa mới bắt đầu”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin Reuters.
“Thị trường tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa chứ không phải 2 lần như dự báo mà Fed đưa ra trong cuộc họp vào tuần trước. Ngoài ra, trong cuộc điều trần hôm qua và hôm nay, ông Powell đều nhắc lại rằng Fed sẽ hành động tuỳ theo dữ liệu kinh tế và Phố Wall đang kỳ vọng lạm phát sẽ giảm nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên - những điều mà Fed dự kiến sẽ xảy đến khi nâng lãi suất”, ông Stovall nói thêm.
Thị trường đã ngạc nhiên khi BOE ngày thứ Năm đưa ra quyết định tăn lãi suất 0,5 điểm phần trăm, một mức tăng lớn hơn dự báo để chống lại lạm phát dai dẳng ở Anh. Động thái này được xem là một bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn là một trở ngại lớn đối với kinh tế toàn cầu.
Thị trường lãi suất tương lai ở Mỹ đang đặt cược khả năng 77% Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 - theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME.
Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần trước duy trì ở mức cao nhất 20 tháng và chỉ số tín hiệu kinh tế của Conference Board giảm tháng thứ 14 liên tiếp. Đây được xem là những dấu hiệu cho thấy nỗ lực “ghìm cương” nền kinh tế thông qua tăng lãi suất của Fed có vẻ đã bắt đầu phát huy tác dụng như mong muốn.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang tiến tới hoàn tất một tuần giảm giá, chấm dứt chuỗi tuần tăng liên tục. Dow Jones và S&P 500 giảm tương ứng 1% và 0,6% kể từ đầu tuần, trong khi Nasdaq giảm 0,4%.
“Thị trường đã chịu một chút áp lực kể từ cuộc họp báo và thông cáo báo chí của Fed vào tuần trước nói rằng họ sẽ không tăng lãi suất vào thời điểm này, nhưng có khả năng sẽ tăng lãi suất trở lại 1-2 trong thời gian còn lại của năm nay”, ông Yung-Yu Ma - Giám đốc chiến lược đầu tư tại BMO Wealth Management - nhận định với hãng tin CNBC. Ông Ma nói thêm rằng, những diễn biến này đưa thị trường tới một trạng thái “tạm nghỉ” trong lúc nhà đầu tư “làm quen” với triển vọng mới của lãi suất.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,98 USD/thùng, tương đương giảm 3,9%, còn 74,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,02 USD/thùng, tương đương giảm 4,2%, còn 69,51 USD/thùng.
Với phiên giảm này, giá dầu để mất hết thành quả tăng của phiên ngày thứ Tư. Động thái tăng lãi suất lần thứ 13 liên tiếp của BOE, với bước nhảy lớn hơn dự kiến, đã gây áp lực giảm mạnh lên thị trường năng lượng hoá thạch.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ dữ liệu hoạt động của các nhà máy Trung Quốc vào tuần tới để tìm kiếm những tín hiệu mới về tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một nhà điều hành tại công ty sản xuất đá phiến của Mỹ EOG Resources cho rằng giá dầu có thể tăng do sản lượng dầu của Mỹ hầu như không tăng nữa và việc cắt giảm sản lượng dầu của liên minh OPEC+ sẽ hạn chế nguồn cung trong những tháng tới.