07:57 24/12/2024

Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ cổ phiếu công nghệ, giá dầu giảm

Bình Minh

Những dữ liệu ảm đạm của kinh tế Mỹ dường như đã phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai...

Ảnh minh họa - Ảnh: Fortune.
Ảnh minh họa - Ảnh: Fortune.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (23/12), với sức mạnh của cổ phiếu công nghệ giữ vai trò trụ cột nâng đỡ các chỉ số. Giá dầu thô giảm vì đồng USD tăng giá và mối lo về nhu cầu tiêu thụ ảm đạm.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,73%, đạt 5.974,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,98%, đạt 19.764,89 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 66,69 điểm, tương đương tăng 0,16%, đạt 42.906,95 điểm.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đồng loạt chốt phiên với mức tăng tốt. Tesla và Meta Platforms tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu, trong khi Nvidia tăng hơn 3%.

Khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp trong phiên đầu tuần và được dự báo sẽ tiếp tục thấp trong thời gian còn lại của tuần này. Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) sẽ đóng cửa sớm vào ngày thứ Ba để đón đêm Giáng sinh, và sẽ nghỉ Giáng sinh vào ngày thứ Tư.

Những dữ liệu ảm đạm của kinh tế Mỹ dường như đã phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 12 do tổ chức nghiên cứu Conference Board thực hiện giảm xuống 104,7 - mức thấp nhất kể từ tháng 9 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones là 113 điểm.

Cùng với đó, lượng đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền - gồm các mặt hàng có giá trị lớn như máy bay, thiết bị gia dụng và máy tính - đã giảm 1,1% trong tháng 11, mức giảm so với tháng lớn nhất kể từ tháng 6.

Phản ứng với các dữ liệu này, Dow Jones có lúc giảm hơn 300 điểm trong phiên, nhưng sau đó hồi phục và chốt phiên trong trạng thái tăng.

Chứng khoán Mỹ mới trải qua một giai đoạn biến động mạnh mà ở đó Dow Jones có chuỗi phiên giảm 10 phiên liên tiếp, dài nhất từ năm 1979. Đỉnh điểm của chuỗi phiên giảm này là cú sụt 1.100 điểm của chỉ số blue-chip vào hôm thứ Tư tuần trước sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu cắt giảm lãi suất trong năm 2025 với số lần ít hơn so với dự báo trước. Sau đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào hôm thứ Sáu cho thấy mức lạm phát yếu hơn dự báo đã góp phần đưa thị trường hồi phục.

Trong tháng này, Dow Jones đã giảm 4,5% và S&P 500 giảm gần 1%, trong khi Nasdaq tăng 2,8%.

Phiên đầu tuần, nhà đầu tư đã được trấn an phần nào khi Tổng thống Joe Biden hôm thứ Bảy đã ký một đạo luật gia hạn ngân sách để duy trì hoạt động của các cơ quan liên bang thêm 3 tháng, sau khi đạo luật được hai viện Quốc hội gấp rút thông qua. Trước đó, Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa vì ngân sách hết hạn vào nửa đêm ngày thứ Sáu.

Nhiều nhà đầu tư đang hy vọng một đợt tăng điểm trong dịp Giáng sinh, được gọi là “Santa Claus rally”, có thể giúp chứng khoán Mỹ hoàn tất một năm 2024 với mức tăng khả quan, nhất là sau đợt sụt giảm gần đây. Theo cuốn Sổ tay Nhà giao dịch chứng khoán, từ năm 1969 đến nay, S&P 500 tăng bình quân 1,3% trong 5 ngày giao dịch cuối cùng của năm trước và 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm sau.

Ngoài ra, theo ngân hàng Bank of America, nửa sau của tháng 12 thường là giai đoạn tăng điểm mạnh thứ hai trong năm của chứng khoán Mỹ, và S&P 500 đã tăng điểm trong 83% số lần tháng 12 của những năm có bầu cử tổng thống Mỹ. “Với xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn còn, chúng tôi không loại từ khả năng ông già Noel sẽ mang quà tới cho thị trường trong năm nay”, trưởng kỹ thuật Craig Johnson của công ty Piper Sandler nhận định với hãng tin CNBC.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,31 USD/thùng, tương đương giảm 0,43%, chốt ở mức 72,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,22 USD/thùng, tương đương giảm 0,32%, chốt ở 69,24 USD/thùng.

Ngân hàng đầu tư Macquarie dự báo tình trạng dư cung dầu toàn cầu sẽ gia tăng trong năm tới, khiến mức giá bình quân cả năm của dầu Brent chỉ đạt 70,5 USD/thùng, so với mức 79,64 USD/thùng của năm nay. Ngoài ra, đồng ở vững giá ở vùng đỉnh của 2 năm sau khi thiết lập ngưỡng này vào hôm thứ Sáu là một yếu tố khác gây áp lực giảm giá lên dầu thô.

Tuần trước, giá dầu Brent giảm khoảng 2,1% và giá dầu WTI giảm 2,6% do mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu sau khi Fed phát tín hiệu giảm lãi suất chậm lại.

Một nghiên cứu của hãng dầu khí quốc doanh Trung Quốc Sinopec cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2027. Đây cũng là một thông tin không có lợi cho giá dầu bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới.