08:14 19/12/2023

Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ lạc quan lãi suất, giá dầu nhảy gần 2% sau vụ tấn công ở Biển Đỏ

Bình Minh

Với phiên tăng này, S&P 500 chỉ còn cách 1,2% là tái lập mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại thiết lập vào tháng 1/2022...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (18/12), duy trì đà đi lên của chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu thô cũng tăng khá mạnh khi một vụ tấn công tàu chở dầu ở Biển Đỏ làm dấy lên mối lo về sự gián đoạn nguồn cung.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones ghi nhận mức tăng không đáng kể 0,86 điểm, chốt ở mức 37.306,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,45%, đạt 4.740,56 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,61%, chốt ở mức 14.904,81 điểm.

Với phiên tăng này, S&P 500 chỉ còn cách 1,2% là tái lập mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại 4.796,56 điểm thiết lập vào tháng 1/2022. Cả Dow Jones và Nasdaq đều lập kỷ lục chốt phiên trong những phiên giao dịch gần đây.

Dịch vụ truyền thông là nhóm cổ phiếu dẫn đầu phiên tăng đầu tuần của S&P 500, với mức tăng 1,9%. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đều ghi nhận mức tăng ấn tượng, gồm Meta Platforms tăng gần 3% và Alphabet tăng hơn 2%.

Cổ phiếu US Steel tăng 26% sau khi tập đoàn thép Nhật Bản Nippon Steel tuyên bố mua lại hãng thép Mỹ này với giá 14,9 tỷ USD.

Tính đến tuần trước, S&P 500 đã tăng 7 tuần liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất của chỉ số này kể từ năm 2017. Nếu tính từ đầu tháng, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã tăng 3,8%. Dow Jones cũng tăng 3,8% từ đầu tháng, trong khi Nasdaq tăng 4,8%.

Giới đầu tư ở Phố Wall đang giữ được tâm trạng lạc quan sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước dự báo có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 do lạm phát xuống tháng. Phản ánh sự xoay tục của Fed, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang giảm nhanh, với lợi suất của kỳ hạn chủ chốt 10 năm đã giảm dưới mốc 4%.

“Các diễn biến trên thị trường đang tiếp tục xu hướng mà chúng ta đã chứng kiến trong phần lớn thời gian của tháng này. Đó là lạm phát có vẻ giảm, lãi suất giữ đà đi xuống, và lợi nhuận của các doanh nghiệp ổn định. Đó là một bức nền thuận lợi cho giá cổ phiếu”, chiến lược gia Terry Sandven của US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Phát biểu ngày thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, cảnh báo Fed không cam kết trước với việc sớm cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Loretta Mester nói thị trường tài chính đã “chạy trước một chút” so với Fed trong kỳ vọng về thời điểm và số lần cắt giảm lãi suất.

Mặc những lời cảnh báo này, thị trường tài chính đang đặt cược khả năng 63,4% Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

“Thị trường đang đi theo hướng cho rằng Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm tới. Các số liệu kinh tế, cho dù là lạm phát, tiêu dùng hay thị trường lao động đều không quá nóng và không quá lạnh. Một kịch bản hoàn hảo đang được hiện thực hoá”, chiến lược gia Tom Hainlin của US Bank Wealth Management phát biểu với hãng tin Reuters.

“Đang có một sự chênh lệch lớn giữa một bên là nhà đầu tư kỳ vọng Fed có 5-6 lần giảm lãi suất trong năm tới, mà Fed dự báo chỉ giảm lãi suất 3 lần. Thị trường đang tiếp tục chạy trước Fed, và có vẻ như điều này cho thấy rằng việc giảm lãi suất bao nhiêu lần không quan trọng, mà quan trọng là lãi suất sẽ giảm.

Báo cáo kinh tế quan trọng nhất công bố trong tuần này là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, có ảnh hưởng lớn đến các quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương này.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,03 USD/thùng, tương đương tăng 1,44%, chốt ở mức 72,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 1,86%, chốt ở 77,97 USD/thùng.

Hôm thứ Hai, một tàu chở dầu của Na Uy bị tấn công ở Biển Đỏ bởi lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn. Hãng dầu lửa BP tuyên bố tạm dừng tất cả hoạt động vận tải qua Biển Đỏ.

Vụ tấn công gây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu. Tuy nhiên, nguồn cung dầu toàn cầu đang dồi dào và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu do kinh tế Trung Quốc giảm tốc là những nhân tố hạn chế mức tăng của giá dầu.