08:02 14/09/2023

Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau báo cáo lạm phát, giá dầu giảm

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư (13/9) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, sau khi báo cáo lạm phát tháng 8 đem đến những tín hiệu trái chiều...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô đi xuống do số liệu thống kê hàng tuần bất ngờ cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - tăng 0,12%, đạt 4.467,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,29%, đạt 13.813,59 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 70,46 điểm, tương đương giảm 0,2%, còn 34.575,53 điểm.

Theo các nhà phân tích, phiên tăng này của S&P 500 được dẫn dắt bởi sự đi lên của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, có độ nhạy cảm cao với lãi suất, trong đó phải kể đến Amazon với mức tăng gần 2,6% và Microsoft tăng gần 1,3%. Xu thế tăng của cổ phiếu công nghệ phiên này cũng chính là nhân tố giúp Nasdaq trở thành chỉ số có mức tăng vượt trội.

Bản báo cáo được chờ đợi từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 8 của nước này tăng mạnh hơn dự báo, với mức tăng mạnh nhất 14 tháng, do giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, lạm phát lõi - thước đo không bao gồm hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng - vẫn tiếp tục xu hướng giảm về phía mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra cho lạm phát cả năm.

CPI toàn phần tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, so với các mức dự báo tăng tương ứng 0,6% và 3,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó trong môt cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, so với các mức dự báo tăng tương ứng là 0,2% và 4,3%.

Xu hướng giảm của lạm phát lõi củng cố khả năng đã đến lúc Fed có thể dừng chu kỳ tăng lãi suất, ít nhất là không nâng lãi suất thêm trong cuộc họp tháng 9. Phản ánh kỳ vọng này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giằng co trong vùng hẹp, chững lại sau một thời gian tăng mạnh gần đây.

“Thị trường đã yếu trong mấy ngày trước, có lẽ bởi nhà đầu tư lo sợ lạm phát lõi sẽ mạnh hơn dự báo. Nhưng báo cáo lạm phát mới nhất là một sự xác nhận đối với ý tưởng cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, mà sẽ chờ xem các dữ liệu kinh tế tiếp theo sẽ như thế nào trước khi quyết định có tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 hay không”, Chủ tịch Peter Tuz của công ty Chase Investment Counsel nói với hãng tin Reuters.

Ông Tuz lưu ý rằng “báo cáo CPI mang tới một chút tích cực ở góc độ lạm phát lõi, nhưng giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới doanh thu bán lẻ”. “Nếu phải chi thêm 20 USD cho việc đổ xăng, bạn sẽ phải giảm chi 20 USD cho thứ khác”, ông nói.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 97% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới. Khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 đang ở mức 48%. Lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện ở mức 5,25-5,5%, cao nhất 22 năm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,18 USD/thùng, chốt ở mức 91,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,32 USD/thùng, chốt ở mức 88,52 USD/thùng.

Trong phiên, có thời điểm giá dầu Brent đạt 92,84 USD/thùng và giá dầu WTI đạt 89,64 USD/thùng, đều là mức giá cao nhất của mỗi loại dầu kể từ tháng 11.

Báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất của nước này đều tăng trong tuần trước. Trong đó, tồn kho dầu thô tăng 4 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 1,9 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Dữ liệu này được xem là dấu hiệu của sự gia tăng nguồn cung dầu ở Mỹ, gây áp lực giảm lên giá dầu.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày của Saudi Arabia và Nga, kế hoạch mà hai nước này mới đây đã gia hạn cho tới cuối năm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng trong quý 4 năm nay.

Trong một báo cáo của Bank of America, các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ này dự báo giá dầu Brent sẽ vượt ngưỡng 100 USD/thùng trước cuối năm nay do sản lượng dầu của nhóm OPEC+ tiếp tục bị cắt giảm.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối này, với Saudi Arabia và Nga giữ vai trò thủ lĩnh không chính thức.