08:03 02/09/2022

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trước thềm báo cáo việc làm, giá dầu tiếp tục lao dốc vì phong toả ở Trung Quốc

Bình Minh

Giờ đây, nhà đầu tư đang chờ bản báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu để có một cái nhìn rõ nét hơn về tình hình thị trường lao động - một nhân tố quan trọng đối với các quyết sách của Fed...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Một cuộc “khởi nghĩa” vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Năm (1/9) giúp thị trường chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm trước đó, trong bối cảnh tâm điểm chú ý của nhà đầu tư hướng tới báo cáo việc làm sắp được công bố. Giá dầu có thêm một phiên giảm mạnh vì mối lo nhu cầu, khi Trung Quốc áp lệnh phong toả mới để chống Covid-19.

Các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall nối tiếp xu hướng của 4 phiên trước trong phần lớn thời gian của phiên ngày thứ Năm. Thị trường đón nhận một báo cáo thị trường lao động khả quan hơn dự kiến, nhưng chính số liệu kinh tế tích cực này lại gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống mức thấp hơn dự báo và thấp nhất trong 2 tháng - một dấu hiệu cho thấy việc sa thải nhân công diễn ra hạn chế trong lúc thị trường lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới thắt chặt. Dữ liệu này củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Nỗi lo lãi suất tiếp tục tăng cao là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ liên tục giảm điểm trong những phiên gần đây.

Giờ đây, nhà đầu tư đang chờ bản báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu để có một cái nhìn rõ nét hơn về tình hình thị trường lao động - một nhân tố quan trọng đối với các quyết sách của Fed.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ có thêm 300.000 công việc mới trong tháng 8. Chuyên gia Jay Bryson của ngân hàng Wells Fargo dự báo con số 375.000 công việc mới, và chuyên gia Ellen Zentner của ngân hàng Morgan Stanley dự báo con số 350.000 công việc mới.

“Thị trường của ngày hôm nay hướng cả đến buổi sáng ngày mai. Thị trường đã bán quá nhiều, và chất xúc tác cho một cuộc phục hồi, hoặc ít nhất không bán tháo nữa sẽ là một báo cáo việc làm yếu hơn dự báo vào ngày mai, nhất là khía cạnh tiền lương”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial nhận xét.

“Thị trường cũng đang phụ thuộc nhiều vào các dữ liệu kinh tế như Fed vậy. Nhà đầu tư đang mong chờ bất kỳ một dữ liệu nào cho thấy Fed có thể đang tiến gần tới kết thúc chu kỳ tăng lãi suất”, bà Krosby nói.

S&P 500 hồi vào cuối phiên, sau khi giảm xuống mức thấp 3.903,65 điểm, gần mức hỗ trợ mạnh 3.900 điểm.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 145,99 điểm, tương đương tăng 0,46%, đạt 31.656,42 điểm. S&P 500 tăng 0,3%, đạt 3.966,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,26%, còn 11.785,13 điểm.

S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đã giảm gần 6% trong 4 phiên giao dịch trước, kể từ khi Chủ tịch Fed Jerome Powell vào hôm thứ Sáu tuần trước phát tín hiệu rằng Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Trong những ngày gần đây, một loạt quan chức Fed cũng đưa ra quan điểm “phụ hoạ” lập trường mà ông Powell thể hiện.

Theo dữ liệu mà Reuters đưa ra, các nhà giao dịch ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 73,1% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 và lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 3,993% vào tháng 3/2023.

Định hướng lãi suất của Fed hiện nay đã làm gia tăng mối lo ngại rằng Fed có thể phạm một sai lầm chính sách là tăng lãi suất quá cao, đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái cho dù lạm phát đã có những dấu hiệu dịu bớt.

Thị trường chứng khoán châu Âu có thêm một phiên bán tháo trong phiên ngày thứ Năm, với chỉ số Stoxx 600 mất 1,8% điểm số vì mối lo lãi suất tăng mạnh và lạm phát trong khu vực Eurozone cao chưa từng thấy.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 3,4%, còn 92,36 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,28%, còn 86,61 USD/thùng.

Phiên này, giá dầu chịu áp lực giảm từ việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống Covid ở một số địa phương, trong đó có thành phố Thẩm Quyến, vì số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, giống như những phiên trước, giá dầu tiếp tục đối mặt với sức ép giảm từ nỗi lo suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng do lạm phát cao và khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

“Nhu cầu dầu của các nước phương Tây cũng như của Trung Quốc đang suy yếu, mà nguồn cung dầu đang tăng nhẹ, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ”, nhà phân tích Norbert Rucker của Julius Baer phát biểu.

Khả năng Iran và các cường quốc phương Tây đạt nhất trí nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 cũng đang tạo thêm áp lực giảm đối với giá dầu. Nếu thoả thuận được khôi phục, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân, đổi lại sẽ được dỡ các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có hạn chế đối với xuất khẩu dầu thô của nước này. Khi Iran tăng mạnh xuất khẩu dầu trở lại, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ được bổ sung.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông hy vọng một thoả thuận sẽ hoàn tất sau vài ngày nữa.

Trong một cuộc khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) được dự báo đạt 29,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8 vừa qua, còn sản lượng dầu của Mỹ tăng lên mức 11,82 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Cả hai mức sản lượng này đều là cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Theo dự báo mới nhất của OPEC và các nước đối tác, tức OPEC+, thị trường dầu lửa toàn cầu dư cung khoảng 400.000 thùng/ngày trong năm nay, ít hơn con số dự báo trước đây. OPEC+ dự báo thế giới sẽ thiếu cung khoảng 300.000 thùng dầu/ngày trong năm 2023.