07:44 19/03/2009

Chứng khoán Mỹ tăng tốc sau quyết định của FED

Duy Cường

Ngày 18/3, Phố Wall tiếp tục chứng kiến phiên tăng điểm ấn tượng sau khi FED công bố loạt quyết định quan trọng

Chứng khoán Mỹ đã tiếp tục lên điểm sau khi FED công bố kế hoạch mua lại trái phiếu dài hạn nhằm bơm thêm tiền giúp nền kinh tế sớm thoái khỏi tình trạng suy thoái - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã tiếp tục lên điểm sau khi FED công bố kế hoạch mua lại trái phiếu dài hạn nhằm bơm thêm tiền giúp nền kinh tế sớm thoái khỏi tình trạng suy thoái - Ảnh: Reuters.
Ngày 18/3, Phố Wall tiếp tục chứng kiến phiên tăng điểm ấn tượng sau khi FED công bố loạt quyết định quan trọng.

Hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ bơm 1.000 tỷ USD thông qua việc mua lại các khoản nợ chính phủ dài hạn, để đưa nền kinh tế dần thoái khỏi tình trạng suy thoái. Trước mắt, FED sẽ chi 300 tỷ USD để mua lại trái phiếu dài hạn.

Ngoài ra, FED cũng công bố sẽ tăng nguồn quỹ từ 850 đến 1.450 tỷ USD để mua lại nợ và các chứng khoán được phát hành bởi các tổ chức tài chính cho vay thế chấp.

Bên cạnh đó, FED đã đưa ra quyết định giữ mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức từ 0 -0,25%. Các nhà kinh tế dự báo FED sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất này cho đến hết năm 2009.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2009 ở nước này đã tăng 0,4% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2008, sau khi tăng 0,3% trong tháng 1/2009. Nếu loại trừ giá năng lượng, thực phẩm thì CPI cơ bản ở Mỹ chỉ tăng 0,2%.

Trong tháng 2, giá năng lượng đã tăng 3,3%, giá xăng tăng 8,3%; giá hàng may mặc, đồ trang sức, đồ trang điểm đã tăng 1,3%...

Cũng trong ngày 18/3, Hedge Fund Research cho biết, 778 quỹ đầu cơ đã bị phá sản trong quý 4/2008, đưa tổng số quỹ đầu cơ bị phá sản năm 2008 lên 1.471 quỹ, tương đương 15% tổng số các quỹ đầu cơ.

Cổ phiếu khối tài chính tăng vọt

Ngày 18/3, tờ Wall Street Journal đã loan tin về việc Tập đoàn IBM đang đàm phán để mua lại Sun Microsystems với giá 6,5 tỷ USD. Cổ phiếu của Sun Microsystems đã tăng 64% lên 8,16 USD/cổ phiếu trước khi thị trường mở cửa, còn cổ phiếu IBM giảm 2%.

Nếu như hai tập đoàn này đạt được thỏa thuận sáp nhập, thì đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất của IBM kể từ trước tới nay. Trước đó, IBM đã chi 5 tỷ USD để mua công ty phầm mềm ở Canada - Cognos.

Cổ phiếu Sun Microsystems có thời đã đạt đỉnh khi lên 258,75 USD/cổ phiếu trước khi “bong bóng dotcom” nổ tung cách đây gần 1 thập kỷ. Năm 2008, tập đoàn này đã cắt giảm 6.000 việc làm, tương đương 18% lực lượng lao động, trong khi đó, cổ phiếu Sun Microsystems đã mất 71% giá trị.

Kết thúc phiên, cổ phiếu IBM (NYSE-IBM) mất 1,03% xuống 91,95 USD/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu Sun Microsystems (Nasdaq-JAVA) tăng vọt thêm 78,87% lên 3,92 USD/cổ phiếu.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, Bank of America - Kenneth Lewis cho biết ngân hàng của ông có thể sẽ hoàn trả 45 tỷ USD số tiền vay từ “Chương trình giải trừ các tài sản xấu – TARP” của Chính phủ Mỹ vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010.

Năm ngày trước đó, ông Kenneth Lewis thông báo Bank of America đã kinh doanh có lãi trong hai tháng đầu năm và không cần phải nhận thêm hỗ trợ vốn từ Chính phủ. Cổ phiếu của Bank of America (NYSE-BAC) đã liên tục tăng mạnh trong 6 phiên vừa qua, đưa cổ phiếu BAC tăng thêm 55,57% giá trị.

Chứng khoán Mỹ đã tiếp tục lên điểm sau khi FED công bố kế hoạch mua lại trái phiếu dài hạn nhằm bơm thêm tiền giúp nền kinh tế sớm thoái khỏi tình trạng suy thoái.

Các chỉ số chứng khoán mở cửa ngày giao dịch đều thấp hơn so với phiên đóng cửa trước đó. Đà giảm điểm của chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục được duy trì trong cả phiên buổi sáng, kéo dài đến gần 14 giờ (giờ địa phương), trong khi chỉ số Nasdaq đã tăng điển từ lúc 12 giờ trưa.

Tuy nhiên, đến khoảng 14h20, cả ba chỉ số tạo cú bứt phá bất ngờ trước loạt tin hỗ trợ của thị trường.

Trong ngày giao dịch, chỉ số S&P 500 có lúc đã tăng 3,2% và lần đầu tiên trong 1 tháng đã vượt qua ngưỡng giá trị 800 điểm.

Cổ phiếu khối tài chính và xây dựng nhà đã dẫn đầu về biên độ tăng điểm sau khi quyết định của FED được công bố.

Cổ phiếu khối ngân hàng đã tăng 11,1%, cổ phiếu S&P Tài chính lên 10,1%. Trong đó, cổ phiếu Bank of America tăng 22,3% lên 7,67 USD/cổ phiếu; cổ phiếu Citigroup tiến thêm 22.67% lên 3,08 USD/cổ phiếu; cổ phiếu AIG tăng 43,75% lên 1,38 USD/cổ phiếu; cổ phiếu Goldman Sachs tăng 6,32%; cổ phiếu JPMorgan tiến thêm 7,84%...

Cổ phiếu Dow Jones khối xây dựng nhà tăng 8,3%, trong đó cổ phiếu D.R. Horton tiến thêm 7,7% lên 9,07 USD/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ tăng tốc sau quyết định của FED - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 18/3 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 17/3: chỉ số Dow Jones tăng 90,88 điểm, tương đương 1,23%, chốt ở mức 7.486,58.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 29,11 điểm, tương đương 1,99%, chốt ở mức 1.491,22.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 16,23 điểm, tương đương 2,09%, đóng cửa ở mức 94,35.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 2,08 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,78 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Chứng khoán Đức tăng điểm trở lại

Thị trường chứng khoán Anh và Pháp đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm thứ Tư, trong khi chứng khoán Đức đã tăng điểm với biên độ thấp.

Trước khi thị trường kết thúc ngày giao dịch thì quyết định mua lại trái phiếu của FED vẫn chưa được công bố trong khi chứng khoán Mỹ vẫn trong đà giảm điểm. Do đó, thị trường châu Âu đã kết thúc ngày giao dịch mà không gặt hái được thành công như thị trường Mỹ.

Trong ngày giao dịch, cổ phiếu khối năng lượng, khai mỏ đều giảm điểm sau khi giá dầu và nhiều kim loại khác đều đi xuống.

Cổ phiếu Royal Dutch Shell, BG Group, Repsol, Total và StatoilHydro giảm từ 1,4% đến 3,1%. Cổ phiếu BHP Billiton, Anglo American, Antofagasta, Xstrata và Eurasian Natural Resources giảm từ 0,3-3,7%.

Tuy nhiên, thị trường vẫn lấy được sự cần bằng khi cổ phiếu khối ngân hàng tăng mạnh, trong đó cổ phiếu Barclays tăng 5,2%, cổ phiếu Royal Bank of Scotland lên 4,1%, cổ phiếu Societe Generale tiến thêm 3,9%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh mất 52,11 điểm, tương đương -1,35%, chốt ở mức 3.804,99. Khối lượng giao dịch đạt 1,95 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức lên 0,21%, khối lượng giao dịch đạt 27,4 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,25%, khối lượng giao dịch đạt 240 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á nối dài chuỗi ngày tăng điểm

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,7% lên 78,04% - tăng 8,2% trong 4 phiên vừa qua.

Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) vừa cho biết sẽ tăng giá trị mua số trái phiếu chính phủ hàng tháng nhằm giúp các ngân hàng tăng tiền cho vay để ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Theo đó, hàng tháng, BoJ sẽ mua số trái phiếu chính phủ trị giá 1,8 nghìn tỷ Yên (18,3 tỷ USD), từ 1,4 nghìn tỷ Yên như những tháng trước đó.

Trong quyết định được ban hành ngày 18/3, BoJ đã giữ nguyên mặt bằng lãi suất đối với đồng Yên ở mức 0,1%/năm.

Kể từ lần cuối cùng cắt giảm lãi suất cơ bản (tháng 12/2008), BoJ liên tục gia tăng các đợt mua tài sản từ các định chế tài chính trong nỗ lực bơm tiền cho ngân hàng thương mại để tăng lượng tiền cho vay.

Chứng khoán Nhật tiếp tục khởi sắc hôm thứ Tư, đưa chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần qua.

Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu về sức nâng đỡ thị trường sau khi BoJ công bố nâng số tiền mua trái phiếu chính phủ, trong đó, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 0,2%, cổ phiếu Mizuho Financial Group lên 3%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group tiến thêm 3,4%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 23,04 điểm, tương đương 0,29%, chốt ở mức 7.972,17. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu, thị trường có 830 cổ phiếu lên điểm và có 758 cổ phiếu giảm điểm.

Chuyển qua thị trường khác, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc xuống 6,5%, từ mức 7,5% được đưa ra hồi tháng 10/2008.

Đồng thời, WB cảnh báo Bắc Kinh rằng mục tiêu tăng trưởng trung hạn của nước này sẽ bị đe dọa nếu họ tiếp tục cố bù đắp sự suy giảm kinh tế bằng việc kích thích mạnh đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, dù thị trường không tăng điểm mạnh như phiên trước đó nhưng sắc xanh vẫn tiếp tục duy trì trên bảng điện tử, nhờ sức nâng đỡ của cổ phiếu ngành công nghiệp khai mỏ.

Kết thúc phiên, chỉ số Shanghai Composite tăng 5,4 điểm, tương đương 0,24%, chốt ở mức 2.223,73.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tiếp tục tăng 0,12%. Chỉ số ASX của Australia hạ 0,21%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 1,86%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ tăng 2,22%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,52%. Chỉ số Straits Times của Singapore nhích 1,37%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 7.395,707.486,58 Up 90,88Up1,23
Nasdaq1.462,111.491,22Up 29,11Up1,99
S&P 500778,12794,35Up 16,23Up2,09
AnhFTSE 1003.857,103.804,99Down 52,11Down1,35
ĐứcDAX3.987,773.996,32Up 8,55Up0,21
PhápCAC 402.767,282.760,34Down6,94Down0,25
Đài LoanTaiwan Weighted5.041,395.047,54Up6,15Up0,12
NhậtNikkei 2257.949,137.972,17Up 23,04Up0,29
Hồng KôngHang Seng12.878,0913.117,17Up239,08Up1,86
Hàn QuốcKOSPI Composite1.163,881.169,95Up6,07Up0,52
Singapore Straits Times1.564,451.580,38Up21,35 Up1,37
Trung Quốc Shanghai Composite2.218,332.223,73Up5,40Up0,24
Ấn ĐộBSE 308.863,019.060,88 Up197,06 Up2,22
AustraliaASX3.393,403.386,20Down7,20Down0,21
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg