07:37 07/10/2022

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, giá dầu giữ đà tăng

Bình Minh

Tâm trạng nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn trước khi báo cáo việc làm tháng 9 được công bố vào ngày thứ Sáu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (6/10), khi tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng vì các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu không sớm dịch chuyển khỏi thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt. Tâm trạng nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn trước khi báo cáo việc làm tháng 9 được công bố vào ngày thứ Sáu.

Giá dầu thô tiếp tục đi lên sau quyết định cắt giảm sản lượng mạnh tay mà OPEC+ đưa ra hôm thứ Tư.

Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã giằng co trong suốt phiên giao dịch, cuối cùng chốt phiên trong sắc đỏ. Phát biểu trong ngày thứ Năm, một số quan chức Fed nhấn mạnh rằng lãi suất cần tăng lên thêm cho tới khi lạm phát được đưa về tầm kiểm soát.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1,15%, còn 29.926,94 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 1,02%, còn 3.744,52 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 0,68%, còn 11.073,31 điểm.

Sắc đỏ cũng chiếm lĩnh thị trường chứng khoán toàn cầu phiên này, với chỉ số MSCI All Country World Index giảm 0,85%.

Nhà đầu tư đang chờ bản báo cáo việc làm dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu để xác định xem liệu những đợt tăng lãi suất liên tiếp vừa qua đã phát huy tác dụng khiến lạm phát giảm nhiệt và khiến nền kinh tế suy yếu tới mức đủ để giá cả tăng chậm lại. Các số liệu kinh tế công bố từ đầu tuần đến nay cho thấy một bức tranh xung đột; một số cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động, trong khi số khác lại phản ánh hoạt động tuyển dụng vẫn đang diễn ra sôi động.

Về phần mình, các quan chức Fed vẫn đưa ra những phát biểu dập tắt bất kỳ tia hy vọng mong manh nào về việc ngân hàng trung ương này đang chuẩn bị giãn tiến độ tăng lãi suất.

Phát biểu ngày thứ Năm, Thống đốc Fed Lisa Cook, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans, và Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari đều nhấn mạnh quan điểm rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn đang diễn ra và họ chưa sẵn sàng thay đổi lập trường.

Trái ngược với cổ phiếu, cả đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 1%, chốt phiên ở mức 112,2 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 6,3 điểm cơ bản, đạt hơn 3,8%.

“Việc lợi suất trái phiếu tăng đang gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu và cũng đẩy tỷ giá đồng USD lên”, nhà phân tích David Madden thuộc Equiti Capital nhận định. “Trong những tuần gần đây, đồng bạc xanh đã giữ vai trò kênh đầu tư an toàn. Chính sự giảm giá của cổ phiếu cũng là một động lực để USD tăng giá”.

Số liệu hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 1/10 là 219.000, vượt dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó là 203.000.

“Thị trường việc làm vẫn đang mạnh nhưng đã bắt đầu yếu đi. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ nhích lên và khi đó, tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại, hút bớt áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ”, chuyên gia kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica Bank nhận định.

Trong ngắn hạn, triển vọng thị trường càng thêm phần phức tạp vì báo cáo lạm phát dự kiến được công bố vào tuần tới. Theo dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ có tháng giảm tốc thứ ba liên tiếp trong tháng 9, tăng 8,1%, nhưng đây vẫn là ngưỡng lạm phát cao nhất ở nước này kể từ giữa thập niên 1980.

Quyết định giảm hạn ngạch sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày của OPEC+ đưa ra hôm thứ Tư tiếp tục hỗ trợ giá dầu, đưa giá “vàng đen” tăng phiên thứ tư liên tiếp.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 1,1%, chốt ở 94,42 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,8%, chốt ở 88,45 USD/thùng.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.