12:06 06/10/2022

Nga cảnh báo trần giá dầu của phương Tây sẽ phản tác dụng

Đức Anh

Phó Thủ tướng Nga nói rằng giá trần tạo ra một tiền lệ rất xấu và sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến những nước áp đặt cơ chế này...

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak - Ảnh: Bloomberg
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak - Ảnh: Bloomberg

Phát biểu tại Vienna (Áo) sau cuộc họp của OPEC+, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo rằng việc áp giá trần lên dầu của Nga sẽ phản tác dụng và dẫn tới Moscow tạm thời cắt giảm sản lượng.

Ông Novak cũng nhắc lại cảnh báo rằng Nga sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp đặt cơ chế này.

“Giá trần tạo ra một tiền lệ rất xấu và sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến những nước áp đặt giá trần đó”, ông Novak nói trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg Television. "Với Nga, đây là một cơ chế không thể chấp nhận được”.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/10 đã thông qua một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm việc áp đặt giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga. Biện pháp giá trần chưa có tiền lệ này, dự kiến bắt đầu được thực thi từ ngày 5/12, sẽ làm giảm mức giá bán dầu của Moscow, đồng thời không làm giảm lượng xăng dầu mà nước này xuất khẩu ra thế giới.

“Sự can thiệp vào thị trường như vậy chỉ có gây hại”, ông Novak nói, dẫn chứng rằng có thể xảy ra tình trạng thiếu dầu tại một số khu vực, chi phí vận chuyển tăng lên, giao hàng trễ và gây ra “nhiều cú sốc cũng như bất ổn”.

Ông cho biết sản lượng dầu của Nga có thể giảm xuống 490 triệu tấn vào năm 2023, từ mức 530 triệu tấn của năm nay.

Trong khi đó, giới chuyên gia ước tính nếu bị áp giá trần, sản lượng dầu của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày.

Trong gói trừng phạt mới, EU đưa ra lệnh cấm cung cấp các dịch vụ hàng hải đối với tàu chở dầu Nga, nhưng miễn trừ cho các tàu có hợp đồng với giá dầu bằng hoặc thấp hơn mức giá trần do Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và các quốc gia cùng tham gia liên minh đặt ra, theo nguồn tin của Bloomberg có được. G7 gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada.

“Nếu giá trần được áp đặt và Nga không thể vận chuyển dầu sang các thị trường khác, chúng tôi sẽ cắt giảm sản lượng nhiều nhất có thể”, ông Novak nói. “Tuy nhiên, Nga sẽ điều chỉnh lại dòng chảy dầu của mình và tìm kiếm khách hàng mới. Một khi chuỗi cung ứng được thay thế, chúng tôi có thể khôi phục sản xuất”.

Theo báo cáo của Cơ quan Năn glượng Quốc tế (IEA) tháng trước, sản lượng dầu của Nga có thể giảm xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 2/2023 do lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu thô của EU có hiệu lực từ ngày 5/12 tới.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ cơ quan CDU-TEK thuộc Bộ Năng lượng Nga, trong tháng 9, nước này đã sản xuất khoảng 10,7 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày.

Moscow đến nay vẫn duy trì được nguồn thu từ dầu mỏ nhờ việc tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Moscow đến nay vẫn duy trì được nguồn thu từ dầu mỏ nhờ việc tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Hiện tại, các thông tin chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được công bố, bao gồm mức giá trần sẽ được áp dụng. Theo Công ty nghiên cứu độc lập ClearView Energy Partners, có trụ sở tại Washington (Mỹ), các quan chức đang thảo luận về khoảng giá trần 40-60 USD đối với dầu thô Nga. Các nhà phân tích của ClearView nhận định ngưỡng trên của khoảng giá này phù hợp với giá dầu thô Nga trong lịch sử, còn ngưỡng dưới gần với chi phí sản xuất cận biên của Nga.

Sau khi chiến tranh nổ ra ở vào cuối tháng 2, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm lệnh cấm và hạn chế nhập khẩu dầu mỏ của nước này. Tuy nhiên, Moscow đến nay vẫn duy trì được nguồn thu từ dầu mỏ nhờ việc tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong một báo cáo mới của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào dầu thô của Nga với lượng nhập khẩu tăng mạnh trong mùa hè. Báo cáo cho thấy dầu Nga chiếm 21% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8, tăng 5% so với tháng trước đó. Năm 2021, tỷ lệ này là 16%, tăng gấp đôi so với chỉ 8% vào năm 2011 (tương đương chưa tới 400.000 thùng/ngày).

Tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc hồi đầu tháng 6 là khoảng 8,8 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2018 và tiếp tục duy trì ở mức này trong tháng 7, trước khi tăng vọt lên 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 8.