Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng khi lợi suất trái phiếu giảm
Cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần tăng điểm. Dow Jones tăng 1,75% cả tuần, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tục...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (3/3), khi lợi suất trái phiếu giảm xuống sau những phiên tăng liên tiếp gần đây và nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm về những đợt tăng lãi suất đã có của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng như các phát biểu tuần này của một số quan chức Fed. Giá dầu thô tăng sau khi tin đồn rằng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sắp rút khỏi OPEC được phủ nhận.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 378,4 điểm, tương đương tăng 1,17%, đạt 33.390,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,61%, đạt 4.045,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,97%, đạt 11.689,01 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới ngưỡng 4%. Đây là ngưỡng mà các nhà giao dịch đã theo dõi sát sao trong tuần này, vì là mốc quan trọng có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo nữa trên thị trường cổ phiếu. Đã có những thời điểm trong tuần này lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4%, khiến cổ phiếu tụt giá.
Ở Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm là lãi suất tham chiếu có ảnh hưởng đến các khoản vay mua nhà và mua xe, nên biến động của lợi suất này có thể ảnh hưởng lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế.
“Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với lợi suất trái phiếu ở thời điểm này và mong chờ một sự giải toả nào đó sau những phiên tăng gần đây của lợi suất”, chiến lược gia trưởng Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC. “Nhà đầu tư đang lo lắng trước khi đón nhận các báo cáo việc làm và lạm phát tiếp theo, sau khi các số liệu tháng trước đã dẫn tới nhiều mối bất an. Thị trường khó có động lực tăng bền vững chừng nào các số liệu chưa cho thấy sự giảm nhiệt chắc chắn của nền kinh tế”, ông Ma nói.
Tuy vậy, cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần tăng điểm. Dow Jones tăng 1,75% cả tuần, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tục. S&P 500 tăng 1,9% trong tuần, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần trở lại đây. Nasdaq tăng 2,58% cả tuần.
Hôm thứ Năm, nhà đầu tư yên tâm sau khi Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic nói ông cho rằng ngân hàng trung ương này có thể tiếp tục áp dụng bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm thay vì tăng nửa điểm phần trăm như một số quan chức khác kêu gọi.
Tuy nhiên, phát biểu ngày thứ Sáu, Thống đốc Fed Christopher J. Waller đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, đặt ra khả năng lãi suất sẽ tăng lên mức cực đại cao hơn nếu các con số lạm phát không dịu đi. Ông Waller đề cập đến báo cáo việc làm tháng 1 với con số việc làm mới là 517.000 công việc, cao hơn nhiều so với dự kiến, cũng như các báo cáo mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đều giảm chậm hơn kỳ vọng.
“Nếu những thống kê này tiếp tục xuất hiện với con số quá nóng, lãi suất chính sách sẽ phải tăng cao hơn nữa trong năm nay để đảm bảo rằng chúng ta không để mất đà giảm lạm phát đã có trước khi các số liệu tháng 1 được công bố”, ông Waller nói.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,08 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 85,83 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York tăng 1,52 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 79,68 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ hôm 13/2.
Trong phiên, có lúc giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng sau khi có thông tin nói rằng UAE đã tiến hành thảo luận nội bộ về việc rút khỏi địa vị thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - một động thái có thể dẫn tới việc nước này sản xuất nhiều dầu thô hơn. Giá dầu bật tăng trở lại sau khi hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng thông tin này “không đúng với sự thật”.
“Giá dầu thô đã biến động mạnh trong phiên ngày hôm nay, có lúc tụt mạnh vì tin đồn UAE rời OPEC, rồi lại tăng mạnh khi tin đồn này bị phủ nhận”, nhà phân tích Matt Smith của Kpler nói với hãng tin Reuters.
Tuần này, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc - nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi vững sau khi dỡ bỏ chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid. Cả dầu Brent và dầu WTI cùng có tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, với mức tăng tương ứng là 3,2% và 4,4%.
Số liệu công bố trong tuần cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ ở Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất 6 tháng, ngành sản xuất cũng tăng mạnh hơn dự báo. Ngoài ra, lượng nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc qua đường biển có khả năng đạt mức cao chưa từng thấy trong tháng 3 này.
Nguồn thạo tin nói với Reuters rằng tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khai mạc vào cuối tuần này, Bắc Kinh có thể đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức cho năm 2023 lên tới 6%.
Lạc quan về Trung Quốc khiến nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa bớt lo về sự dồi dào của nguồn cung dầu ở Mỹ. Lượng dầu thô tồn kho thương mại của Mỹ đã tăng 10 tuần liên tiếp và nước này cũng đang xuất khẩu dầu thô nhiều chưa từng thấy.
Dù vậy, giá dầu cũng tiếp tục chịu áp lực giảm từ xu hướng tăng của đồng USD và sự cứng rắn của các ngân hàng trung ương lớn. Tương tự chủ trương tiếp tục thắt chặt của Fed, một số quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần này tuyên bố lãi suất có thể phải tăng lên mức 4% nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao.