07:39 15/10/2021

Chứng khoán Mỹ xanh rực nhờ loạt báo cáo lợi nhuận khả quan, giá dầu lại tăng

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/10), khi nhà đầu tư đón nhận một loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan hơn dự báo từ các công ty niêm yết lớn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô cũng tăng sau khi Saudi Arabia từ chối lời kêu gọi tăng sản lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,7%, đạt mức 4.438,26 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3. Chỉ số Dow Jones tăng 1,6%, đạt 34.912,56 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,7%, đạt 14.823,43 điểm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 ở Phố Wall được đẩy nhanh trong ngày 14/10, với một loạt ngân hàng lớn và thành viên Dow Jones công bố doanh thu và lợi nhuận trước khi thị trường bắt đầu phiên giao dịch. Trong buổi sáng có 8 thành viên của S&P 500 đưa ra kết quả và tất cả số này đều đạt lợi nhuận vượt dự báo của các nhà phân tích.

“Đến nay, đại đa số các công ty lớn của Mỹ đều tạo được lợi nhuận cao hơn, bất chấp chi phí lao động gia tăng, bởi tăng trưởng doanh thu rất mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này tiếp tục trong quý 3”, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management nhận định.

Cổ phiếu hãng bán lẻ dược phẩm Walgreens Boots Alliance tăng 7,4% nhờ kết quả kinh doanh vượt xa dự báo. Tương tự, cổ phiếu công ty dịch vụ y tế UnitedHealth tăng 4,2%. Cổ phiếu ba ngân hàng lớn Bank of America, Morgan Stanley và Citigroup tăng tương ứng 4,5%; 2,5%; và 0,8%.

Riêng cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo giảm 1,6% dù lợi nhuận cũng vượt dự báo của giới phân tích.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm xuống phiên này, tạo lực hỗ trợ các cổ phiếu công nghệ. Nhờ đó, cổ phiếu các Big Tech gồm Microsoft, Apple và Alphbabet đồng loạt tăng ít nhất 2% mỗi cổ phiếu.

Thị trường phiên này còn được nâng đỡ bởi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đợ xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua giảm còn 293.000, đánh dấu lần đầu tiên giảm dưới mức 300.000 kể từ khi đại dịch bắt đầu.

“Chúng ta đang chứng kiến một số dấu hiệu về sự cải thiện trên thị trường việc làm”, chuyên gia Mark Hamrick của Bankrate nhận định.

Ngoài ra, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 cũng yếu hơn dự báo, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Nếu so với tháng 8, PPI tăng 0,5%, so với mức dự báo tăng 0,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu nối lại đà tăng sau một phiên giảm vào ngày thứ Tư.

Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Năm, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,57 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đạt 83,76 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,52 USD/thùng, đạt 80,96 USD/thùng.

Phiên tăng này diễn ra cho dù số liệu hàng tuần cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng 6 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức tăng 702.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Sản lượng dầu thô của Mỹ cũng tăng trong tuần qua, đạt 11,4 triệu thùng/ngày.

Giá dầu tăng sau khi Saudi Arabia từ chối những lời kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng khai thác dầu, nói rằng việc OPEC+ nâng từ từ sản lượng dầu là nhằm bảo vệ thị trường khỏi những biến động giá chóng mặt trên thị trường khí đốt tự nhiên và than.

Trong khi đó, báo cáo hàng tháng từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng giá khí đốt tự nhiên tăng cao có thể thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu của các nhà máy phát điện. IEA cũng cảnh báo khủng hoảng năng lượng có thể thổi bùng lạm phát và làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19.

Báo cáo của IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 thêm 210.000 thùng so với dự báo tăng cũ, cho rằng tổng nhu cầu sẽ đạt 99,6 triệu thùng/ngày trong năm tới, cao hơn một chút so với mức trước đại dịch.