Chứng khoán sáng 16/4: Trụ rớt thảm, VN-Index chạm đáy tháng 3
Thị trường lao dốc mạnh sáng nay không chỉ do nhóm cổ phiếu "Vin". Gần như toàn bộ các trụ lớn nhất của VN-Index đều mất giá, đẩy chỉ số này xuống đáy hai tháng
Thị trường lao dốc mạnh sáng nay không chỉ do nhóm cổ phiếu "Vin". Gần như toàn bộ các trụ lớn nhất của VN-Index đều mất giá, đẩy chỉ số này xuống đáy hai tháng.
Điểm sâu nhất của VN-Index trong phiên sáng là 963,06 điểm, tương đương giảm 2,02%. Trong khi đó điểm thấp nhất hồi tháng 3/2019 là 964,76 điểm. Như vậy trong khoảnh khắc VN-Index còn phá đáy cũ gần nhất.
Thị trường sau đó có phục hồi nhẹ trở lại nhưng kết phiên mức giảm của chỉ số chính vẫn là 1,3% hay gần 13 điểm, mức giảm sâu nhất trong ngày kể từ phiên 25/3 vừa rồi. Độ rộng của HSX chỉ là 71 mã tăng/213 mã giảm, trong đó hơn 140 mã giảm quá 1%.
Ảnh hưởng nặng nề nhất và sớm nhất kéo theo sự suy sụp của cả thị trường là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đầu tiên là phản ứng tiêu cực tại các cổ phiếu "họ Vin": VIC có lúc sụt giảm 4,59%, VHM giảm 5,89%, VRE giảm 4,43%. Các mã này sau đó đã cố gắng "chuộc lỗi" và đẩy dần chỉ số lên. Kết phiên VIC còn giảm 3,09%, VHM giảm 3,11%, VRE giảm 2,86%.
Tuy nhiên cũng không chỉ riêng lỗi của nhóm cổ phiếu nói trên, phản ứng tại các blue-chips khác cũng xấu không kém. Ví dụ VCB tạo đáy giảm tới 2,35%, TCB giảm 2,01%, CTG giảm 2,52%, VPB giảm 3,08%, MBB giảm 2,51%, STB giảm 2,07%. Nhóm ngân hàng yếu như vậy nên ảnh hưởng không kém gì các trụ lớn khác.
VN30-Index tạo đáy cùng thời điểm với VN-Index và giảm 1,76%. Như vậy đáng lẽ phải đánh giá cao khả năng nâng đỡ của nhóm này. Chỉ là một số mã trụ có tác động khác nhau lên các chỉ số, mà tiêu biểu là VIC, VHM ảnh hưởng quá lớn tới VN-Index.
Độ phục hồi của nhóm blue-chips chưa có gì ấn tượng. VN30-Index kết phiên sáng vẫn giảm 1,11% với 2 mã tăng/25 mã giảm. Trụ khá vững là VNM, từ chỗ giảm 0,52% đã quay sang tăng 0,22%. HDB từ giảm 0,72% thành tăng 1,62%. BID từ giảm 1,58% thành tăng 1,01%.
Nhìn chung khi blue-chips có phục hồi và vực dần chỉ số lên thì các cổ phiếu khác cũng phản ứng tích cực theo. Mặc dù vậy mức phục hồi vẫn còn yếu khiến độ rộng quá hẹp. Chừng nào blue-chips không hồi lên mạnh hơn, thị trường sẽ không thể nhận được lực hồi lan tỏa rộng hơn.
Sàn HNX đang chứng kiến HNX30 giảm 1,05% với 2 mã tăng/17 mã giảm. HNX-Index giảm 0,86% với 41 mã tăng/97 mã giảm. May mắn lớn nhất cho sàn này có lẽ là SHB không giảm giá và ACB mới giảm 0,99%. Các mã ngân hàng bên HSX đều đang rơi sâu và hầu hết đều -1,5% trở lên.
VN-Index giảm sâu sáng nay đã rơi trở lại vùng đáy ngắn hạn hồi tháng 3/2019. Tại đây đã xuất hiện lực cầu bắt đáy khi nhà đầu tư trông đợi thị trường sẽ không giảm thêm quá mức này. Thanh khoản có dấu hiệu tăng khá tốt, tổng khớp hai sàn đạt 1.771,3 tỷ đồng, cao nhất 4 phiên. Tuy nhiên đây cũng không phải là mức giao dịch quá ấn tượng vì tuần trước còn có phiên sáng khớp vượt 2.000 tỷ đồng.
Cả hai sàn không có cổ phiếu nào giao dịch được quá 90 tỷ đồng giá trị. Dẫn đầu là VIC chỉ khớp 85,8 tỷ đồng. Rổ VN30 giao dịch 784 tỷ đồng cũng chỉ tương đương trung bình hai tuần gần đây.
Khối ngoại là niềm an ủi lớn nhất sáng nay khi mua ròng trở lại. Trên HSX khối này giải ngân 252,8 tỷ đồng, bán ra 146,3 tỷ đồng. VN30 được mua 126,2 tỷ đồng, bán 74,9 tỷ đồng. HNX mua 13,2 tỷ đồng, bán 1,3 tỷ đồng.
Giao dịch mua ròng khá tốt xuất hiện tại vài blue-chips như STB, BID, HDB, VIC, PLX, cộng thêm PPC, DXG và vài mã lẻ tẻ khác. Phía bán ròng dẫn đầu là FLC với trên 1,4 triệu cổ ròng. DCM, LHG là hai mã khác bị bán ròng đáng chú ý.