Chứng khoán sáng 18/1: MSN, VRE thỏa thuận khủng, thanh khoản vẫn teo tóp
Sự hào nhoáng của thanh khoản sáng nay đến từ các giao dịch thỏa thuận nhưng không thể che dấu được mức giao dịch khớp lệnh quá kém cỏi. Các chỉ số trồi sụt không ổn định vì cổ phiếu thiếu lực cầu bền vững
Sự hào nhoáng của thanh khoản sáng nay đến từ các giao dịch thỏa thuận nhưng không thể che dấu được mức giao dịch khớp lệnh quá kém cỏi. Các chỉ số trồi sụt không ổn định vì cổ phiếu thiếu lực cầu bền vững.
Sàn HSX đạt tổng giao dịch phiên sáng khoảng 2.473,5 tỷ đồng nhưng chỉ có 33% trong đó là đến từ giao dịch khớp lệnh, đạt 816,8 tỷ đồng. Mức khớp lệnh này lại là kỷ lục thấp mới trong nhiều năm.
Giao dịch thỏa thuận cực lớn xuất hiện với 12,3 triệu cổ phiếu MSN tương đương 918,5 tỷ đồng; gần 19,4 triệu VRE tương đương 583,8 tỷ đồng. MWG, DHG và NVL cũng thỏa thuận vài chục tỷ đồng nữa.
Các thỏa thuận của MSN và VRE là do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện nhưng cũng chỉ là nội bộ. Vì thế sự hào nhoáng thứ hai đến từ giao dịch của khối ngọai thực ra là không có đồng nào chảy ròng vào thị trường cả.
Cổ phiếu chịu ảnh hưởng từ giao dịch khớp lệnh và với mức thanh khoản thấp kỷ lục như vậy, khó trông đợi những diễn biến ổn định nào. Sau phiên đóng cửa bị "đạp" mạnh chiều hôm qua, sáng nay thị trường có phản ứng mạnh và phục hồi tương đương. VN-Index nhảy tăng ngược lên 906,35 điểm, tăng 0,49% so với tham chiếu.
Tuy nhiên do thanh khoản quá thấp nên giá cổ phiếu mất ổn định rất nhanh. Toàn bộ thời gian còn lại của phiên sáng VN-Index trượt dốc dần và lại loanh quanh mức tham chiếu. Điểm thấp nhất trong phiên sáng của chỉ số này là 900,64 điểm, giảm 1,25 điểm so với tham chiếu. Chốt phiên sáng, VN-Index đạt 901,93 điểm, tăng 0,04 điểm, quá nhỏ để tính theo phần trăm.
Nhóm VN30 khá hơn một chút, chỉ số tăng 0,1% với 10 mã tăng/16 mã giảm. Phiên hôm qua các blue-chips sụt giảm là nguyên nhân chính khiến thị trường suy yếu chung. Sáng nay nhiều blue-chips đã quay đầu tăng lại nhưng chỉ số rất ít cổ phiếu tăng rõ ràng.
Mạnh nhất là VNM, đang tăng 1,59%, VHM tăng 0,5%, HPG tăng 1,38%, MSN tăng 0,87%, VPB tăng 1,32%. Đó là các trụ có ảnh hưởng tương đối rõ rệt lên VN-Index, còn lại đều quá nhỏ. Số giảm cũng có VIC giảm 0,59%, VCB giảm 0,54%, VRE giảm 1%.
Độ rộng chung của HSX là 109 mã tăng/139 mã giảm trong đó cả Midcap lẫn Smallcap đều giảm điểm. Sự cân bằng mong manh của VN-Index hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cân bằng lẫn nhau giữa các mã trụ. Hiện VNM đang đủ sức gánh cả VIC lẫn VCB. Cổ phiếu này cũng đang được khối ngoại đỡ 56% thanh khoản. SAB, GAS, CTG là những cổ phiếu lớn đang ngấp nghé ranh giới thay đổi có thể tác động lên chỉ số.
Sàn HNX đang có 3 mã gồng gánh chỉ số là VGC tăng 2,2%, SHB tăng 1,43%, PGS tăng 3,03%. Trong khi đó ACB giảm 0,35%, PVS giảm 0,56%, VCG giảm 1,33%, VCS giảm 0,16%. HNX30 là chỉ số duy nhất tăng 0,47% dù chỉ có 7 mã tăng/13 mã giảm. HNX-Index đang giảm 0,11% với 41 mã tăng/70 mã giảm.
Hiện thanh khoản đang là vấn đề lớn nhất vì thiếu cầu lực đỡ ở giá cổ phiếu sẽ không bền vững. Nhiều blue-chips có lượng chặn mua quá nhỏ, rất dễ dẫn đến thay đổi bất lợi.
Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận giao dịch cực lớn sáng nay nhưng là chuyển nhượng nội khối. Nhóm này thực chất lại đang bán ròng nhẹ. Cụ thể, HSX xuất hiện giá trị mua 1.655,4 tỷ đồng, bán ra 1.660,8 tỷ đồng. VN30 được mua 1.626,6 tỷ đồng, bán ra 1.644 tỷ đồng. HNX mua 4,9 tỷ, bán 2 tỷ đồng.
Nếu trừ đi các giao dịch thỏa thuận thì khối ngoại mua bán rất nhỏ, do đó cũng không có nhiều cổ phiếu đang chú ý. Phía mua ròng chỉ có chứng chỉ quỹ và DPM, VCB là khá. Phía bán ròng có CII, DHG, SSI, CTG.