12:02 06/09/2018

Chứng khoán sáng 6/9: Áp lực bán giảm nhiều

Lan Ngọc

Sau 3 phiên bán quyết liệt, sáng nay áp lực bán đã giảm đáng kể, nhưng dòng tiền cũng không mạnh mẽ. Thị trường do vậy đã rơi vào trạng thái lình xình với thanh khoản thấp

Sau 3 phiên bán quyết liệt, sáng nay áp lực bán đã giảm đáng kể, nhưng dòng tiền cũng không mạnh mẽ. Thị trường do vậy đã rơi vào trạng thái lình xình với thanh khoản thấp.

VN-Index kết thúc phiên sáng giảm nhẹ 0,08% với 122 mã tăng/142 mã giảm. Chỉ số này chạm đáy trước 10h30 khi giảm 0,37%. Nửa sau của phiên là nhịp phục hồi chậm và khá đuối do thanh khoản quá kém. Chỉ số VN30-Index đang tăng 0,22% với 16 mã tăng/12 mã giảm. Lúc tạo đáy chỉ số này cũng giảm khoảng 0,21%.

Như vậy mặt bằng giá blue-chips có cả thiện rõ nét hơn tình trạng chung trên sàn HSX. Thời điểm tạo đáy, rổ VN30 chỉ có 3 mã tăng và 4 mã tham chiếu, còn lại là giảm. Cổ phiếu đã phục hồi khá tốt nhưng chưa đủ mạnh để thay đổi VN-Index.

Lý do khiến VN-Index vẫn đỏ dù VN30-Index đã xanh là VHM giảm 0,94% và VIC giảm 0,59%. Hai mã này cũng không giảm quá mạnh nhưng vẫn lấy đi 0,15% điểm tăng từ chỉ số chính. VN30-Index hưởng lợi từ việc không có VHM lẫn giảm vốn hóa của VIC. Ngoài ra VN-Index còn chịu tác động từ một số mã khác không thuộc rổ VN30 như TCB giảm 1,16% và BVH giảm 1,47%. 4 mã này lấy đi tổng cộng hơn 0,2% điểm tăng, tức là nếu tránh được, VN-Index sẽ phản ánh đà tăng tương tự chỉ số VN30-Index.

Điều đó có nghĩa là số tăng còn lại hơn 100 mã ngoài rổ VN30 hầu như không có ảnh hưởng nào rõ nét. Các blue-chips trong rổ này vẫn là xương sống của đợt phục hồi trong buổi sáng. Mạnh nhất đang là MSN tăng 1,94%, GAS tăng 0,6%, VCB tăng 0,5%, HPG tăng 1,3%.

Ngay trong nhóm VN30 mức tăng của các cổ phiếu cũng không mấy ấn tượng. Nhóm trụ chỉ có MSN, HPG là tăng được trên 1%, còn lại PNJ, GMD, SBT đều hơi nhỏ dù cũng tăng trên 1%. Các mã khác tăng quá nhẹ.

Nét tích cực của phiên sáng nay ở giá cổ phiếu chỉ là sự phục hồi thoát khỏi nhịp giảm nối tiếp đầu phiên. 3 phiên liên tục các cổ phiếu chịu sức ép rất lớn, đặc biệt là hai phiên vừa qua. Do đó khi giá phục hồi được đã làm dừng đà giảm từ những phiên trước. Đó là nhờ áp lực bán đã suy yếu đáng kể.

Phần còn lại phụ thuộc vào sức mua để tăng. Trong nhịp đi lên nửa sau phiên sáng, thanh khoản không cao nên lực đẩy ở giá cũng không mạnh. Nhà đầu tư vẫn tỏ ra rất thận trọng và không giải ngân nhiều, mặc dù phiên trước giá giảm vẫn được mua rất khỏe.

Thanh khoản sụt giảm 21% trong sáng nay là biểu hiện rõ nhất. Thanh khoản yếu ở cả nhịp giảm nửa đầu phiên lẫn ở nhịp phục hồi nửa sau đó. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn mới đạt 1.624,1 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 8 tuần.

Không có cổ phiếu nào sáng nay khớp quá được 100 tỷ đồng, thậm chí cao nhất là HPG cũng chưa tới 87 tỷ đồng. Bù lại trong số 10 mã thanh khoản tốt nhất phiên, chiếm gần 33% giá trị thị trường, chỉ có hai mã giảm là VPB giảm 0,99% và VNM giảm 0,08%, còn lại đều tăng. Như thế mặc dù dòng tiền vào không cao, nhưng do lực bán giảm, giá vẫn có cải thiện nhất định.

Sàn HNX giao dịch có phần cân bằng hơn. Chỉ số chính đang tăng 0,56% với 69 mã tăng/63 mã giảm. HNX30 tăng 0,28% với 12 mã tăng/10 mã giảm. Độ rộng cân bằng và trụ ACB tăng 1,22% trong ngày chốt quyền là lợi thế lớn nhất.

Khối ngoại là điểm tối của phiên này, tiếp tục bán ròng dù mức độ không lớn. Ở HSX, khối này bán ra 233,2 tỷ đồng, mua vào 160,8 tỷ đồng. Rổ VN30 bị bán 143,3 tỷ đồng, mua 106,7 tỷ đồng. HNX mua 26,2 tỷ, bán 19,5 tỷ đồng.

Không có bất kỳ blue-chips quan trọng nào được khối ngoại mua ròng đáng chú ý. Chỉ có chứng chỉ quỹ, SBT, TVS, LDG là được mua nhỉnh một chút. Ngược lại, phía bán ròng có BID, VRE, SSI, HPG, GEX, KBC, VND, HT1. VNM, VIC, VCB cũng nằm trong số bán ròng nhưng mức độ nhẹ.