Chứng khoán sụt giảm: “Phải để thị trường tự điều chỉnh”
Quan điểm của ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, trước tình trạng sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay
Đây là quan điểm của ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, trước tình trạng sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay.
Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, ông Nhã vẫn lạc quan trước thực tế của thị trường chứng khoán, bởi nền tảng là các doanh nghiệp niêm yết hiện vẫn đứng vững trước khó khăn, tiềm năng phát triển vẫn rất lớn; nhưng hạn chế lớn nhất là tâm lý và kinh nghiệm của nhà đầu tư.
Thưa ông, ông có thể cho biết quan điểm của Ủy ban Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trước khó khăn của thị trường chứng khoán hiện nay?
Hiện nay chúng tôi nghĩ trả về biên độ cũ là vấn đề quan trọng, bởi phải để thị trường tự điều chỉnh.
Vừa rồi, thị trường chứng khoán Mỹ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế nước này và đã xuống rất mạnh, nhưng rồi cũng tự điều chỉnh được. Cái quan trọng, thị trường của họ là thị trường của những nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Thị trường của ta, bản thân các nhà kinh doanh chuyên nghiệp là các quỹ, các công ty chứng khoán mà còn có tâm lý nhỏ lẻ, chưa nói đến các nhà đầu tư bình thường. Vấn đề cốt lõi là chúng ta thiếu kinh nghiệm trong sử dụng đồng vốn của mình.
Nhưng nếu trả lại biên độ, thị trường có thể xuống các mức thấp nhanh hơn?
Có một thực tế, các công ty chứng khoán, các tổ chức đầu tư tự doanh khá cao. Nên nếu thị trường trồi sụt thế này sẽ không đảm bảo chi phí quản lý của họ từ doanh thu hàng ngày. Nên có thể họ muốn thị trường xuống một chút nữa để “ôm” vào.
Khi họ “ôm” vào sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới. Và các công ty đó chính là những người tạo thị trường, cùng đầu tư và sẽ có các biện pháp quảng cáo, khuyến mại, kêu gọi khách hàng để khách hàng cùng đầu tư với họ và điều đó sẽ tại ra một làn sóng đầu tư mới.
Thực tế hiện nay cho thấy, bản thân những nhà tạo thị trường lại dừng đầu tư mà không có những người tham vấn, tư vấn cho các nhà đầu tư khác. Không ham muốn mua vào thì dứt khoát không có thị trường được. Do vậy, cũng phải tạo một cơ hội kinh doanh sống còn với thị trường có cơ hội và việc tạo ra một làn sóng mới có khi cũng tốt hơn.
Ông có nói đến những nhà tạo lập thị trường. Vậy sự sụt giảm hiện này có bắt nguồn từ phía họ?
Có chuyện đó. Bản thân những nhà đầu tư lớn này cũng thiếu kinh nghiệm, vội vàng. Bản thân họ cũng đầu tư thiếu chuyên nghiệp. Khi thấy vốn của mình giảm thì họ cũng buộc phải bán đi và khi đó họ cũng không khác gì các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác. Cuối cùng dẫn tới một cuộc chạy đua bán ra, giữa cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ với các nhà đầu tư tổ chức.
Thực tế vừa qua cũng cho thấy, bản thân các nhà đầu tư tổ chức cũng chưa phải có nhiều kinh nghiệm và vốn. Bản thân họ cũng nghĩ đây là một kênh kiếm lời nhanh, ăn xổi thôi mà không nghĩ rằng mình phải phát triển bền vững, trường tồn.
Trong bối cảnh thị trường xuống thế này, chắc các nhà quản lý, nhà kinh doanh phải nghĩ lại, điều chỉnh lại hành vi, cách kinh doanh của mình, để vừa chấn chỉnh nội bộ, vừa sáng tạo ra những cái cơ chế, chính sách mới để làm thị trường bớt rủi ro.
Với những hạn chế trên, liệu có phải có nguyên nhân từ việc cấp phép dễ dàng để những tổ chức, nhà đầu tư lớn đó hoạt động?
Thực ra, cũng không hẳn vậy. Bởi đó là kinh doanh có điều kiện và khi họ có đủ điều kiện thì vẫn phải cấp phép.
Còn về những điều kiện kỹ thuật, tôi cho rằng cũng không thấp. Như trước đây, vốn của công ty chứng khoán so với từng loại nghiệp vụ kinh doanh thấp, trước đó là 100 tỷ và giờ là 300 tỷ. Cũng có thể, khi xây dựng Luật Chứng khoán, thị trường chưa phát triển mạnh, theo đó số vốn tối thiểu đó cũng là phù hợp.