23:22 20/07/2008

Chứng khoán tăng có thực sự bền vững?

Nhà đầu tư trên thị trường cần sự cẩn trọng trước những ảo tưởng tài chính

Những ngày gần đây, các nhà đầu tư đã quay lại sàn giao dịch chứng khoán đông hơn do thị trường tăng liên tục. Liệu tình hình này sẽ kéo dài được bao lâu?
Những ngày gần đây, các nhà đầu tư đã quay lại sàn giao dịch chứng khoán đông hơn do thị trường tăng liên tục. Liệu tình hình này sẽ kéo dài được bao lâu?
Bài viết của tác giả Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính Doanh nghiệp - Đại học Kinh tế Tp.HCM.

Đã qua hơn ba tuần thị trường chứng khoán Việt Nam tăng liên tục, mức tăng khó có một thị trường nào sánh kịp trong khi chứng khoán thế giới liên tục mất điểm. Đâu là yếu tố tạo nên điều kỳ lạ đó?


Thông tin thị trường

Khởi đầu cho sự tăng trưởng của thị trường là thông tin từ hai đối tác chiến lược của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là ANZ và Daiwa đăng ký mua thêm cổ phiếu thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Tiếp đến là các thông tin vĩ mô có vẻ giúp thị trường “lạc quan” hơn với chỉ số lạm phát được “kiểm soát”, thâm hụt cán cân thương mại giảm, thị trường ngoại tệ được chấn chỉnh, cuộc đua tăng lãi suất được kìm lại...

Tuy nhiên, trên các kênh thông tin khác, sự thật không đơn giản như thế. Tính chu kỳ của lạm phát là điều đáng để bàn và khi sức mua theo chu kỳ bị chững lại thì thâm hụt thương mại sẽ giảm. Không chỉ thế, nguồn cung ngoại tệ gặp khó khăn thì đương nhiên thâm hụt thương mại sẽ giảm đi... Thị trường ngoại tệ, vàng bị kiểm soát, “sóng” không duy trì ở những thị trường này tất yếu sẽ tìm đến kênh tạo sóng mới. Đó chính là thị trường chứng khoán.

Tâm lý thua lỗ từ thị trường là một yếu tố khiến cho những nhà đầu tư tham gia thị trường trước đây luôn sẵn sàng quay lại khi có những tín hiệu được cho là “lạc quan”. Diễn biến thời gian qua là một minh chứng cho điều đó. Họ sẵn sàng quay lại thị trường để tìm kiếm khoản chênh lệch giá bù đắp cho những tổn thất trước đây chứ không chú ý đến bản chất của giá trị cổ phiếu. Nghĩa là họ cố gắng lấy tiền từ túi người khác hơn là chính công ty niêm yết chi trả cho họ. Khi mà tất cả nhà đầu tư đều cho là mình thông minh thì tiền lời sẽ đến từ đâu?

Nếu trước đây thị trường điều chỉnh do những yếu tố vĩ mô không tốt thì nay liệu những điều đó đã cải thiện được bao nhiêu? Theo các kịch bản của Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng cuối năm, nếu mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1% thì lạm phát cả năm đạt được mức kỳ vọng của thị trường là 24,75%. Trong khi lạm phát tháng 6 còn ở mức 2,14% thì liệu kịch bản này có hiện thực? Nếu mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,2% thì con số sẽ là 27,25% (vượt mức kỳ vọng của thị trường)...

Những vấn đề này còn cần thời gian để kiểm định. Ba bốn tuần qua không phải là khoảng thời gian để khẳng định các yếu tố vĩ mô đã được kiểm soát.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Tình hình kinh doanh của chính các doanh nghiệp cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những chính sách kiểm soát lạm phát. Một trong những kết quả được quan tâm thời gian qua chính là việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính của các doanh nghiệp niêm yết theo công văn yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Một trong những doanh nghiệp được cho là thực hiện “nghiêm túc” như REE cũng đã báo cáo kết quả thua lỗ trong năm tháng đầu năm do thực hiện việc trích lập dự phòng này. Vậy có thể nói viễn cảnh tăng trưởng lợi nhuận thật khó thành hiện thực cho tất cả các công ty niêm yết.

Điều mà nhà đầu tư cần lưu ý chính là tính pháp lý của báo cáo hàng quí vì các báo cáo này không cần thiết phải có ý kiến của kiểm toán độc lập. Chính điều này sẽ giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp sử dụng nghệ thuật hạch toán để tạo ra những con số lợi nhuận “đẹp” cho thị trường.

Công ty Bông Bạch Tuyết là một minh chứng cho việc sử dụng nghệ thuật này. Từ báo cáo lãi nay trở thành lỗ là điều khó hiểu đối với trách nhiệm của kiểm toán độc lập, của ban kiểm soát trước các cổ đông của mình, trước các chủ nợ của công ty...

Tâm lý thống trị thị trường

Chiều hướng đi lên của thị trường khởi đầu từ sự hứng khởi của các nhà đầu tư về việc đăng ký mua cổ phiếu SSI của hai đối tác chiến lược với số lượng đăng ký lên trên 18 triệu cổ phiếu trong khi thời gian này “room” của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn hơn 10 triệu cổ phiếu. Đồng thời giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng đột biến trong 10 phiên trước đó.

Nhưng điều mà nhà đầu tư cần biết để tránh những ảo tưởng tài chính là, khi một tổ chức mua lại một công ty thông qua thị trường họ thường thực hiện thông qua việc đưa ra một mức giá cao hơn giá thị trường để đánh vào một số nhà đầu tư hiện hữu đang nắm giữ cổ phần lớn trong công ty. Vì món lợi trước mắt, một số cổ đông lớn sẽ bán lại phần sở hữu của mình.

Một cách khác là trước khi thực hiện chiến lược nói trên, phía muốn mua sẽ chọn một đối tác để gom cổ phiếu công ty cần mua trên thị trường nhằm tránh đột biến tăng giá. Sau khi mua đủ, họ sẽ thực hiện những giao dịch thỏa thuận. Như vậy, bằng việc thực hiện chiến lược này bên mua sẽ giảm thiểu chi phí và thành công trong chiến lược mua lại.

Một điểm đáng chú ý khác là sự bi hài “lời hóa lỗ” của Bông Bạch Tuyết. Tình hình sản xuất kinh doanh của công ty này càng trở nên khó khăn nếu không muốn nói đến nguy cơ phá sản nếu các cổ đông không góp thêm vốn. Thế nhưng giá cổ phiếu Bông Bạch Tuyết trước ngày bị ngưng giao dịch cũng tăng chung với mức tăng của thị trường!

Hai ví dụ nói trên đã cho thấy phần nào sự chi phối của các ảo tưởng tài chính từ nhà đầu tư trên thị trường. Kịch bản của sự phát triển nóng vào cuối năm 2006 là một bài học lớn cho những ai tham gia thị trường. Thiết nghĩ nhà đầu tư nên quan tâm đến giá trị nội tại của mỗi cổ phiếu để tránh lặp lại tình hình phải bán tháo cổ phiếu những tháng đầu năm.

(Theo TBKTSG)