11:19 01/07/2010

Chứng khoán tháng 7: Chọn cổ phiếu hay đợi thị trường?

Hoàng Hoa

Việc lựa chọn cổ phiếu là điều quan trọng hơn cả, thay vì nhìn vào sự tịnh tiến của hai chỉ số chứng khoán

Khi thị trường tiếp tục xu hướng đi ngang và các thông tin đan xen vẫn có những ảnh hưởng lớn đến thị trường, khả năng bứt phá ngay trong tháng 7 là khá khó khăn.
Khi thị trường tiếp tục xu hướng đi ngang và các thông tin đan xen vẫn có những ảnh hưởng lớn đến thị trường, khả năng bứt phá ngay trong tháng 7 là khá khó khăn.
Thị trường Việt Nam đang dần trở lại ổn định hơn với dòng tiền vào thị trường chủ yếu đến từ các nguồn tiền nhàn rỗi và nguồn tiền dành riêng cho mục đích đầu tư hơn là việc sử dụng ồ ạt đòn bẩy tài chính như năm ngoái.

Do vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong thời gian tới để kích thích tăng trưởng kinh tế có thể sẽ là một yếu tố hỗ trợ về mặt tâm lý và một phần dòng tiền chảy vào thị trường.

Tháng 6, khối ngoại mua ròng 1.260 tỷ đồng

Trong tháng 6, các thông tin vĩ mô của 6 tháng đầu năm đã cho thấy những tín hiệu tích cực về một nền kinh tế đang từng bước hồi phục. GDP 6 tháng đầu năm 2010 tăng khoảng 6,1%, cao hơn hẳn mức 3,9% của 6 tháng đầu năm 2009.

Tăng trưởng đã bắt đầu hồi phục trở lại nhờ đà tăng trưởng của giá trị sản xuất công nghiệp và mức tiêu dùng nội địa tiếp tục duy trì ở mức cao, thể hiện qua tốc độ tăng 26,7% so với cùng kỳ của doanh số bán lẻ.

Bên cạnh đó, lạm phát - một vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu kể từ đầu năm khi các gói kích thích kinh tế của năm 2009 kết thúc - đã dần đi vào quỹ đạo ổn định.

Sau khi điều chỉnh tăng từ 7% lên 8% vào cuối tháng 4, lạm phát tháng 5 tăng 0,27% và vấn đề này có thể coi là hạ nhiệt khi chỉ số CPI tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng 5. Với xu hướng hạ nhiệt của CPI, mục tiêu tăng trưởng trở thành trọng tâm của 6 tháng cuối năm.

Ngoài những nguyên nhân về việc giảm tốc của giá lương thực thực phẩm, việc giảm giá xăng dầu và tỷ giá VND/ngoại tệ giảm làm giá nhập khẩu tăng thấp, tăng trưởng tín dụng tăng thấp trong các tháng đầu năm cũng có tác dụng làm cho đà tăng của CPI chậm lại.

Và cũng chính do tín dụng tăng trưởng thấp là nguyên nhân làm cho thị trường chứng khoán “lình xình” trong một thời gian tương đối dài vừa qua.

Các nhận định về việc dòng tiền đổ vào chứng khoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhờ việc hạ mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn đang cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Thực tế, việc giải ngân cho vay với lãi suất thấp của các ngân hàng thương mại vẫn khá hạn chế và chỉ tập trung đối với một số đối tượng cụ thể trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một điểm sáng đáng khích lệ là việc mua ròng của khối ngoại trong tháng 6 tiếp tục được duy trì ở mức khá cao, với tổng lượng mua ròng đạt gần 1.260 tỷ đồng, chỉ sau lượng mua ròng trong tháng 4.

Kể từ đầu năm đến nay, lực mua ròng luôn duy trì ở mức khá tốt và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm trên sàn HOSE, giá trị mua ròng của khối ngoại đã đạt hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn 2,5 lần so với tổng lượng mua ròng của cả năm 2009 và cao hơn lượng mua ròng của cả năm 2008 và 2009 cộng lại.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, kể từ đầu năm 2010 đến nay, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ước đạt khoảng 350 triệu USD - gần bằng với lượng vốn mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế trong nước và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại vẫn khá tích cực.

VN-Index gần như đi ngang kể từ đầu năm đến nay khi thị trường chỉ dao động xoay quanh ngưỡng 500 điểm, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức bình quân hơn 45 triệu cổ phiếu/ngày, tương ứng hơn 1.700 tỷ đồng/ngày.

Chứng khoán tháng 7: Chọn cổ phiếu hay đợi thị trường? - Ảnh 1
Biểu đồ giá trị mua ròng của khối ngoại và khối lượng giao dịch của thị trường - Nguồn: HOSE, HNX.

Tương quan cùng chiều có thể quay lại

Trong tháng 6, thông tin về khả năng hai quỹ do Dragon Capital quản lý có thể bị ép thoái vốn đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Mặc dù các thông tin về khả năng này vẫn chưa rõ và cần phải qua ngày 12/7 thì những thông tin cụ thể hơn về kế hoạch đầu tư của Dragon Capital mới được công bố thì thông này này đã cho thấy những khó khăn trong hoạt động đầu tư không chỉ là của các nhà đầu tư cá nhân mà của cả những tổ chức lớn.

Trong khi đó, các thông tin từ thị trường thế giới vẫn chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn khi các thông tin được công bố vẫn tiếp tục cho thấy thị trường và nền kinh tế cần thêm thời gian trước khi giai đoạn hồi phục ổn định quay trở lại.

Các ngân hàng của châu Âu đang trong quá trình sát hạch sức khỏe (bank stress test). Theo dự kiến vào gần cuối tháng 7 thì kết quả kiểm tra sức khỏe của ngân hàng các nước châu Âu mới được công bố. Cho đến thời điểm đó, niềm tin của nhà đầu tư đối với khu vực tài chính sẽ tiếp tục bị tác động khi có thể những thông tin trái chiều xuất hiện.

Thị trường đang chờ đợi kết quả này sớm được công bố để củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư giống như kết quả của cuộc kiểm tra sức khỏe các ngân hàng Mỹ vào năm 2009 trước đây.

Các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang lan tràn trên toàn cầu. Việc giải quyết vấn đề nợ công sẽ cần nhiều thời gian và không thể giải quyết một sớm một chiều. Chính vì thế vẫn chưa thực sự có nhiều tín hiệu rõ ràng về việc hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng đợt phục hồi vừa qua của thị trường toàn cầu là quá sớm và những phiên điều chỉnh hiện tại vẫn đang làm tốt vai trò của nó khi thị trường vẫn cần thêm thời gian để chuẩn bị trước khi một đợt hồi phục thực sự trở lại. Do vậy, điều này sẽ tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Trong nửa đầu tháng 7, với những thông tin vĩ mô đã được công bố và dự kiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ chỉ được công bố vào nửa cuối của tháng 7, các thông tin trong nước tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán sẽ không nhiều, ngoại trừ kết quả cuộc họp của Dragon Capital vào ngày 12/7.

Trong cùng thời gian này, diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới vẫn còn khá nhiều yếu tố chưa lượng hóa được. Do vậy, rất có thể thị trường trong nước lại trở nên tương quan với những diễn biến của thị trường thế giới.

Thị trường khó bứt phá

Khi những thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp lần lượt được công bố, cộng với việc thị trường đã tích lũy trong nửa đầu của tháng 7, kỳ vọng thị trường sẽ tìm được sức bật trở lại vào nửa cuối của tháng 7.

Tuy vậy, liệu kết quả kinh doanh quý 2 có thực sự tạo nên một sự đột biến trên thị trường?

Chúng tôi cho rằng, với quý 2 là quý thấp điểm của nhiều ngành sản xuất do phần lớn các doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn đầu tư, tìm kiếm đơn hàng, khả năng có nhiều đột biến trong lợi nhuận là không lớn.

Khi thị trường tiếp tục xu hướng đi ngang và các thông tin đan xen vẫn có những ảnh hưởng lớn đến thị trường, khả năng bứt phá ngay trong tháng 7 là khá khó khăn.

Tuy vậy, việc lựa chọn cổ phiếu là điều quan trọng hơn cả, thay vì nhìn vào sự tịnh tiến của hai chỉ số chứng khoán. Chúng tôi cho rằng những cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, xây dựng và hàng tiêu dùng như sữa, bánh kẹo… sẽ là những ngành có nhiều triển vọng tốt trong các quý cuối năm do những ngành này được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tín dụng sẽ dần nới lỏng, mức tiêu dùng nội địa vẫn ở mức cao và chu kỳ bán hàng ghi nhận lợi nhuận thường rơi vào các quý cuối năm.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khá nhiều doanh nghiệp sẽ chuẩn bị niêm yết trên 2 sàn chứng khoán. Với tổng số lượng cổ phiếu dự kiến niêm yết đến hơn 1.200 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD (với giả định giá niêm yết gấp 1,5 lần mệnh giá), thì đây sẽ là một nguồn cung đáng kể đối với thị trường.

Mặc dù không phải lúc nào quyết định đầu tư vào cổ phiếu chuẩn bị niêm yết cũng mang lại lợi nhuận cao, nhưng việc tìm kiếm những cơ hội mới có thể sẽ tạo ra động lực mới cho thị trường.

Chứng khoán tháng 7: Chọn cổ phiếu hay đợi thị trường? - Ảnh 2
Danh sách một số công ty lớn dự kiến sẽ niêm yết trong thời gian tới.

* Tác giả bài viết hiện là Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC).