15:59 29/01/2008

Chứng khoán thế giới: Lạc quan lại về

Kiều Oanh

Đêm qua và sáng nay (29/1), nhiều chỉ số chính trên thị trường chứng khoán các châu lục lại lên điểm

Thị trường Mỹ và châu Á có một phiên khởi sắc.
Thị trường Mỹ và châu Á có một phiên khởi sắc.
Đêm qua và sáng nay, nhiều chỉ số chính trên thị trường chứng khoán các châu lục lại lên điểm. Hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục “mạnh tay” cắt giảm lãi suất USD khiến giới đầu tư khá hồ hởi.

Thị trường Mỹ và châu Á có một phiên khởi sắc, nhưng tại thị trường châu Âu, các hàn thử biểu mất điểm vẫn chiếm số lượng áp đảo. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua tăng 0,3%.

Hân hoan chờ quyết định của FED

Thị trường Mỹ kết thúc ngày giao dịch đầu tuần với sự phục hồi của tất cả các hàn thử biểu chính. Chỉ số công nghiệp Dow Jones thêm 176,72 điểm, tương đương 1,45%, lên 12.383,89 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 23,71 điểm, bằng 1,02%, đạt 2.349,91 điểm. Chỉ số S&P500 cũng lên 23,35 điểm, tức 1,76%, đạt 1.353,96 điểm.

Tại thị trường châu Á sáng nay, đa số các hàn thử biểu chính đều vẽ đồ thị đi lên. Chỉ số MSCI của thị trường châu Á tăng 1,6%, lên 143,85 điểm nhờ cổ phiếu của tất cả 10 nhóm ngành thuộc chỉ số này cùng lên giá. Trừ thị trường New Zealand, Australia và Singapore mất điểm, tất cả các thị trường khác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều đóng cửa ngày giao dịch trong niềm hứng khởi.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 228,16 điểm, tương đương 0,95%, lên 24.281,77 điểm. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 2,5%, lên 13.416,02 điểm, còn chỉ số Topix tăng 35,70 điểm, bằng 2,76%, lên 1.328,73 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến thêm 0,7%.

Chỉ số Strait Times của Singapore mất điểm nhẹ ở mức 0,07%, còn 3038,84 điểm. Chỉ số AXP của thị trường Australia giảm 2,45%, còn 5.716,50 điểm.

“Đoán già đoán non” mức cắt giảm lãi suất

Đầu phiên giao dịch hôm qua, các chỉ số chính trên Phố Wall cùng tiếp tục chiều hướng đi xuống của phiên trước. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố một báo cáo cho thấy, lượng nhà mới được bán ở Mỹ trong năm ngoái đã sụt giảm với tốc độ kỷ lục 26,4%. Thông tin này đẩy khả năng FED tiếp tục cắt giảm lãi suất USD vào ngày 30/1 tới đây hiện đã cao hơn bao giờ hết, khiến giới đầu tư lấy lại niềm tin.

Nhiều chuyên gia cho rằng, FED sẽ cắt giảm thêm 0,25% lãi suất USD, trong khi một số khác tin mức cắt giảm sẽ phải là 0,5% mới có thể “đủ đô” cho kinh tế Mỹ. Thị trường tất nhiên đang kỳ vọng mức cắt giảm càng nhiều càng tốt.

Có nhiều lý do khiến FED có thể phải cắt giảm “mạnh tay” lần nữa, trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ đang có lan rộng toàn cầu, đẩy thị trường chứng khoán thế giới vào một giai đoạn đen tối.

Tuần trước, nhiều ngân hàng của châu Âu đã công bố những thông tin xấu. Ngân hàng hàng đầu của Pháp Societe General thiệt hại hơn 7 tỷ USD trong một vụ lừa đảo do chính một nhân viên của ngân hàng này thực hiện. Trong khi đó, hãng dịch vụ tài chính “quốc tịch” Bỉ - Hà Lan Fortis vừa công bố thua lỗ 1,48 tỷ USD vì liên quan đến đầu tư vào cho vay dưới chuẩn.

Một số nhà kinh tế khẳng định, kinh tế Mỹ hiện đã ở giai đoạn đầu của một thời kỳ suy thoái nhẹ và viễn cảnh tăng trưởng ít nhất trong 6 tháng tới sẽ tiếp tục u ám.

Cổ phiếu ngân hàng, xây dựng được lợi

Dẫn đầu thị trường Mỹ hôm qua là các cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu của các công ty xây dựng - hai đối tượng có lẽ được “hưởng lợi” nhiều nhất trong bối cảnh hiện nay nếu FED tiếp tục cắt giảm lãi suất. Cổ phiếu của JP Morgan Chase, Goldman Sachs, Bank of America… đồng loạt lên giá mạnh.

Trong khi đó, cổ phiếu của “đế chế” đồ ăn nhanh McDonald’s lại sụt mạnh tới 5,6% do doanh số tại các nhà hàng của tập đoàn suốt từ tháng 12 đến nay không hề tăng. Theo nhận định của giới quan sát, doanh thu ảm đạm của McDonald’s có thể là một dấu hiệu xấu nữa về kinh tế Mỹ.

Các cổ phiếu ngân hàng và địa ốc cũng tăng giá mạnh tại thị trường châu Á sáng nay, nhất là tại thị trường Hồng Kông. Do Hồng Kông hiện neo buộc đồng tiền của mình với đồng USD nên một khi FED cắt giảm lãi suất USD, lãi suất đối với Đôla Hồng Kông cũng được cắt giảm.

Cổ phiếu của các công ty khai mỏ trong phiên giao dịch này cũng lên giá mạnh mẽ nhờ giá vàng đang liên tục thiết lập các kỷ lục mới.

Châu Âu vẫn đi xuống

Khác với thị trường Mỹ và châu Á, tình hình tại thị trường châu Âu hôm qua vẫn chưa thực sự khả quan, khi mà số hàn thử biểu mất điểm vẫn cao hơn số lên điểm. Lý do chính là giới đầu tư vẫn chưa hết bi quan vì những con số về thiệt hại ở General Societe và Fortis, lo ngại sẽ còn có thêm nhiều ngân hàng nữa báo lỗ “đậm”.

Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 của khu vực này mất đi 1,1% số điểm, còn 318,70 điểm. Chỉ số FTSE 100 của thị trường London sụt 1,36%, còn 5.788,90 điểm, chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp mất 0,61%, còn 4.848,30 điểm. “Điểm sáng” của thị trường châu Âu trong phiên hôm qua chính là thị trường Đức, với chỉ số DAX30 lên 0,03%, đạt 6.818,85 điểm.