07:09 11/06/2008

Chứng khoán thế giới: Trung Quốc “rung chuyển”

Duy Cường

Ngày 10/6, chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm của thị trường Trung Quốc khiến giới đầu tư lo lắng

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã giảm 7,73% trong phiên giao dịch hôm thứ ba.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã giảm 7,73% trong phiên giao dịch hôm thứ ba.
Ngày 10/6, chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm của thị trường Trung Quốc khiến giới đầu tư lo lắng.

Chứng khoán Mỹ: Diễn biến trái chiều

Phiên giao dịch hôm thứ Ba, giá dầu thô giao tháng bảy tại sàn NYMEX tiếp tục giảm 3,04 USD/thùng, tương đương -2,26%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 131,31 USD/thùng.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben S. Bernanke hôm thứ Ba cho biết, rủi ro về kinh tế Mỹ hiện tại là thấp nhưng quan ngại về tình hình lạm phát kỳ vọng. Do đó, trong bài phát biểu của mình, ông Ben S. Bernanke nói rằng sẽ để ngỏ khả năng tăng lãi suất cơ bản đối với đồng USD để kiềm chế lạm phát (số liệu về CPI sẽ được công bố vào thứ Sáu ngày 13/6 tới).

Thông tin quan trọng khác, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng Tư đã tăng cao hơn dự báo và lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2007 do giá nhập khẩu dầu tăng cao.

Theo thông báo của Bộ Thương mại, dù xuất khẩu của Mỹ trong tháng Tư đã tăng lên 155,5 tỷ USD nhưng thâm hụt thương mại của nước này cũng tăng từ 56,5 tỷ USD trong tháng Ba lên 60,9 tỷ USD trong tháng Tư, tương đương với mức tăng 7,8%.

Giá đầu leo thang là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao, theo đó giá nhập khẩu dầu đã tăng 6,96% trong tháng Tư và giá trị nhập khẩu từ Saudi Arabia, Venezuela, OPEC lên đến 20,9 tỷ USD.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ có diễn biến không mấy sáng sủa khi kịch bản của phiên này không có gì thay đổi so với phiên trước đó khi màu xanh le lói ở chỉ số Dow Jones và sắc đỏ hiện diện trên hai chỉ số còn lại.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 9,44 điểm, tương đương 0,08%, đóng cửa ở mức 12.289,76.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 10,52 điểm, tương ứng -0,43%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.448,94.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 3,32 điểm, tương đương -0,24%, đóng cửa ở mức 1.358,44.

Thị trường châu Âu: Số liệu kinh tế sáng sủa hơn

Cơ quan thống kê Anh hôm thứ Ba thông báo, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng Tư đã tăng 0,1% sau khi giảm 0,5% trong tháng Ba, mức tăng này tương đương với dự báo trước đó của giới phân tích. Nguyên nhân giúp sản lượng công nghiệp tăng do ngành sản xuất máy bay và ôtô có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Liên quan đến lĩnh vực bán lẻ ở Anh, doanh thu bán lẻ của nước này trong tháng Năm đã tăng thêm 1,9%, trái ngược với mức giảm 1,5% của tháng Tư.

Nguyên nhân khiến khối bản lẻ có sự tăng trưởng mạnh là do thời tiết mùa hè ấm hơn nên người dân đi mua sắm quần áo, thực phẩm và đồ uống nhiều hơn.

Liên quan đến thị trường Pháp, Cơ quan thống kê thông báo, trong tháng Tư, sản xuất công nghiệp của nước này đã tăng 1,4% sau khi giảm 1% trong tháng Ba.

Được biết, Ngân hàng Trung ương nước này đã đưa ra dự báo kinh tế Pháp sẽ tăng 0,3% trong quý 2/2008 và với mức tăng của ngành sản xuất công nghiệp này, mục tiêu đó có thể sẽ trở thành hiện thực.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Ba đồng loại giảm điểm trên cả ba thị trường chính với biên độ giảm gần 1%.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên này giảm 50,30 điểm, tương đương -0,86%, đóng cửa ở mức 5.827,30, khối lượng giao dịch đạt 2,39 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm 0,65%, khối lượng giao dịch đạt 4,30 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,80%, khối lượng giao dịch đạt 198 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Trung Quốc “rung chuyển”

Chứng khoán châu Á nối tiếp đà giảm điểm của phiên giao dịch đầu tuần nhưng sự khác biệt của phiên này là mức giảm thê thảm của chứng khoán Trung Quốc. Với phiên giao dịch đỏ lửa trên các thị trường, chứng khoán châu Á đã xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua.

Các đơn đặt hàng máy móc của Nhật trong tháng tư đã tăng trở lại sau hai tháng suy giảm trước đó nhưng viễn cảnh về kinh tế nước này vẫn duy trì sự u ám với những rủi ro của lạm phát và kinh tế tăng trưởng chậm.

Số liệu được Chính phủ nước này công bố cho thấy, các đơn đặt hàng máy móc tăng 5,5% trong tháng tư, tăng 2,3% so với các dự báo của các chuyên gia kinh tế Nhật.

Trước bối cảnh lạm phát leo thang hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế của Nhật đã dự báo rằng, Ngân hàng Trung ương nước này rất có thể sẽ đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 0,5%/năm của đồng Yên trong cuộc họp sẽ diễn ra trong tuần này.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ ba tiếp tục giảm điểm, màu đỏ vẫn duy trì trên bảng điện tử, nhiều blue chip cũng không chánh khỏi đà giảm điểm chung của thị trường.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 160,21 điểm, tương 1,13%, đóng cửa ở mức 14.021,17.

Điểm qua thị trường Hồng Kông, thị trường giao dịch trở lại sau ngày nghỉ hôm đầu tuần. Tuy nhiên, ngày giao dịch mở hàng đầu tuần của thị trường này trở nên kém may mắn khi chỉ số Hang Seng giảm 4,21% giá trị.

Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc đã giảm 1,91% trong phiên giao dịch hôm thứ ba do thị trường lo ngại về tình hình lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chập lại. Những cổ phiếu blue chip trong khối công nghệ như Samsung Electronics, LG Electronics có mức giảm lần lượt là 2,9% và 2,2%, góp phần đưa chỉ số này cùng chung sắc đỏ với các thị trường khác.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên giao dịch này tiếp tục giảm 2,54%. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên giao dịch hôm thứ ba giảm 1,55%.

Với diễn biến phức tạp từ tình hình giá cả leo thang hiện nay trong bối cảnh bộn bề những khó khăn sau trận bão tuyết hồi đầu năm và trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên vừa qua khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có những động thái mới nhằm kiềm chế lạm phát. Nếu điều đó xảy ra, bất lợi sẽ thuộc về thị trường chứng khoán và đó là một lý do khiến chứng khoán Trung Quốc tụt giảm mạnh.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giao dịch đầu tiên trong tuần với sắc đỏ thường thấy nhưng biên độ giảm thì hiếm thấy, gần 8%. Sự tích tụ được dồn nén bởi hôm thứ hai, chứng khoán châu Á đều tụt giảm mạnh thì thị trường Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch nhân ngày lễ. Do đó, ngay đầu phiên giao dịch, thị trường đã giảm mạnh và duy trì diễn biến này đến hết ngày giao dịch.

Để liệt kê các blue chip giảm bao nhiêu phần trăm thì câu trả lời có thể nhìn vào biên độ giảm của chỉ số Shanghai Composite, -7,73%. 
   
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.280,32 12.289,76 +9,44 +0,08
Nasdaq 2.459,46 2.448,94  -10,52 -0,43
S&P 500 1.361,76 1.358,44  -3,32 -0,24
Anh FTSE 100 5.877,60 5.827,30  -50,30 -0,86
Đức DAX 6.815,63 6.771,10  -44,53  -0,65
Pháp CAC 40 4.799,38 4.761,08 -38,30 -0,80
Đài Loan Taiwan Weighted 8.587,96 8.370,00 -217,96 -2,54
Nhật Nikkei 225 14.181,38 14.021,17 -160,21  -1,13
Hồng Kông Hang Seng 24.402,18 23.375,52 -1,026,66 -4,21
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.808,96 1.774,38 -34,58  -1,91
Singapore Straits Times 3.084,02 3.033,05 -50,97 -1,65
Trung Quốc Shanghai Composite 3.329,67 3.072,33 -257,34  -7,73
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg