Chuyển đổi số đặt ra vấn đề cấp bách về phát triển bền vững
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thúc đẩy quá trình số hóa trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội đó cũng là các thách thức liên quan đến quản lý nguồn lực, sự ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững…
Trong bối cảnh này, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Hiệp hội Kế toán quản trị Châu Á - Thái Bình Dương (APMAA) đã hợp tác tổ chức Hội thảo quốc tế "Kế toán quản trị: Công cụ hỗ trợ ra quyết định hướng đến phát triển bền vững và số hóa các quy trình kinh doanh" diễn ra từ ngày 29 - 31/10.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định Đại học Kinh tế luôn hướng đến thúc đẩy nghiên cứu trong nền kinh tế số và thúc đẩy phát triển bền vững, những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của cả doanh nghiệp và xã hội.
Đồng thời PGS. TS Nguyễn Anh Thu cũng nhận đinh kỷ nguyên chuyển đổi số, nơi các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và chuỗi khối đang định hình lại cách thức hoạt động của doanh nghiệp, cũng đặt ra những vấn đề cấp bách về tính bền vững. Điều này đòi hỏi mọi tổ chức cần phải suy nghĩ về tác động của mình đối với môi trường và xã hội.
Không chỉ tập trung chia sẻ kiến thức chuyên môn về kế toán quản trị, các chuyên gia tham gia hội thảo còn trao đổi chuyên sâu về vai trò của quản trị bền vững và phát triển, giúp doanh nghiệp trong khu vực ASEAN thích ứng với các xu hướng quản lý áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Theo đó, trong phần tham luận, học giả Darusalam từ Trường Kế toán, Đại học Binus, Indonesia, chỉ ra việc tăng cường số hóa các thủ tục hành chính công có thể tăng cường minh bạch, giảm thiểu tham nhũng, đồng thời khẳng định xây dựng Chính phủ điện tử bắt buộc là xu thế tất yếu để góp phần giúp các quốc gia phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các chủ đề liên quan đến thúc đẩy trách nhiệm triển khai ESG đối với các doanh nghiệp cũng đặc biệt được các học giả đến từ nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia tập trung phân tích thông qua phần trình bày các nghiên cứu khoa học.
Nội bật là phần tham luận của PGS.TS. Kanitsorn Terdpaopong – Giám đốc Chương trình Kế toán– Đại học Rangsit, Thái Lan. Bà Kanitsorn Terdpaopong chỉ ra công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESGD) trong khi tác động tiêu cực đến một số chỉ số hoạt động kinh doanh của các tập đoàn Thái Lan, ngược lại, tại Việt Nam, báo cáo ESGD có ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy đánh giá của thị trường tốt hơn đến doanh nghiệp. Song ESGD vẫn tác động tiêu cực đến chỉ số ROA của doanh nghiệp, cho thấy lợi thế tài chính của ESG có thể cần thêm thời gian để tạo ra hiệu quả toàn diện với doanh nghiệp.
Trong khi đó, các giảng viên đến từ nhiều trường đại học của Việt Nam trong một báo cáo nghiên cứu khoa học, cho rằng để giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thuế carbon sẽ là phương tiện quan trọng góp phần thực hiện hoá mục tiêu.
Một số công cụ theo dõi hành động vì khí hậu chỉ ra từ cơ quan có thẩm quyền cao nhất đến các doanh nghiệp trong nền kinh tế của Việt Nam còn coi nhẹ việc giảm phát thải. Do đó, bằng cách định giá carbon sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp và cả cá nhân giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy các hoạt động bền vững hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với sự tham gia hợp tác và hỗ trợ của các học giả, nhà nghiên cứu và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, kiểm toán và tài chính, Hội thảo đã cung cấp những hướng dẫn và giải pháp thiết thực góp phần giúp Việt Nam cùng nhiều quốc gia Đông Nam Á đối mặt với các thách thức phát triển trong thời đại số hóa ngày càng nhanh chóng.